Giống như đánh giá của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vừa được công bố, IMF cũng đánh giá cao việc Việt Nam kiềm chế được lạm phát ở mức một con số, tài khoản vãng lai vẫn còn thặng dư lớn, và dự trữ ngoại hối tăng lên.
IMF cũng “nhắc nhở” rằng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng được IMF dự báo sẽ phục hồi dần dần trong những năm tới,
IMF cũng muốn Việt Nam sớm hoàn thành việc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và Hàn Quốc. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các thị trường xuất khẩu chính và thúc đẩy cải cách dựa trên thị trường.
“Việc sớm kết thúc các cuộc đàm phán thương mại trọng điểm sẽ kích thích tăng trưởng của Việt Nam”– IMF nhận định.
Tổ chức này cũng cập nhật tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng của Việt Nam.
Theo đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nhờ vào điều kiện tiền tệ nới lỏng, nguồn vốn FDI và kiều hối vào Việt Nam. Hầu hết các ngân hàng đã được yêu cầu phải nộp kế hoạch tái cơ cấu cho Ngân hàng Nhà nước.
Song “tác dụng phụ” của nó là hạn chế tăng trưởng tín dụng và khiến hệ thống ngân hàng nhạy cảm với những biến động và suy giảm tài sản đáng kể.
“Việc công bố nhanh chóng mức nợ xấu thực sự, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tạo cơ sở hỗ trợ tín dụng mạnh mẽ và ổn định tài chính vĩ mô”– theo IMF.
Tổ chức này cho rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng nên tập trung vào tăng cường quản trị doanh nghiệp và đảm bảo một sân chơi bình đẳng.
IMF cũng chú ý đến vấn đề nợ công của Việt Nam. Theo IMF, nợ công dự kiến sẽ tăng lên khoảng 55 % GDP trong năm 2014, cao hơn đáng kể so với một vài năm trước đây, đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn đến nợ công. Trong trung hạn, nợ công dự kiến sẽ đạt 60% GDP– mức trần về giới hạn an toàn của nợ công.
Dù vậy, nếu có những giải pháp đúng đắn, IMF cho rằng nợ công của Việt Nam có thể giảm về mức 45% trong tương lai (đúng như mục tiêu Chính phủ đề ra trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.