rasset.ie

 
Thứ Hai | 24/07/2017 13:31

IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của một loạt quốc gia

Dự báo của IMF về tăng trưởng của khối ASEAN-5 (bao gồm Việt Nam) trong năm 2017 đã được điều chỉnh tăng thêm 0,1%.

Mặc dù cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Anh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu, với kỳ vọng rằng khu vực đồng euro và Nhật sẽ tăng tốc.

Trong bản cập nhật tháng 7 về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,5% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4.

IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 1027 xuống còn 2,1% từ 2,3%, và từ 2,5% xuống 2,1% trong năm 2018, phản ánh mức tăng trưởng yếu trong quý I năm nay cũng như giả định rằng chính sách tài khóa sẽ không mở rộng hơn dự kiến trước đó.

Tình hình quý đầu năm yếu hơn dự kiến cũng khiến IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm nay xuống còn 1,7% từ mức 2,0%, trong khi dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 được giữ nguyên ở 1,5%.

Tuy nhiên, tình hình suy thoái ở Mỹ và Anh dự kiến sẽ được bù đắp bởi điều chỉnh tăng dự báo cho nhiều quốc gia trong khu vực đồng euro, bao gồm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, nơi mà sự tăng trưởng trong quý I/2017 phần lớn đã vượt kỳ vọng.

IMF bình luận về châu Âu: "Tăng trưởng vượt dự kiến trong quý I/2017, cùng với những thay đổi triển vọng tăng trưởng tích cực cho quý IV/2016 và các chỉ số cơ bản cho quý II/2017, cho thấy động lực mạnh mẽ hơn trong nhu cầu nội địa của các nước so với dự đoán trước đó".

IMF đã tăng dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro trong năm 2017 lên 1,9% từ mức 1,7%. Trong năm 2018, IMF tăng dự báo tăng trưởng eurozone lên 1,7% từ mức 1,6%.

IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của  Nhật Bản vào năm 2017 lên  1,3%, so với mức dự báo 1,2% hồi tháng 4, trong khi dự báo tăng trưởng năm 2018 của nước này không thay đổi ở mức 0,6%.

Ngoài ra, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2017 thêm 0,1% lên 6,7%, giải thích bằng việc tăng trưởng quý I/2017 mạnh hơn dự kiến. Trong năm 2018, IMF đã tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0,2% lên 6,4% do kỳ vọng các nhà chức trách nước này sẽ duy trì đầu tư công cao để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong giai đoạn 2010-2020.

Dự báo của IMF về tăng trưởng của khối ASEAN-5 (bao gồm Việt Nam) trong năm 2017 đã được điều chỉnh tăng thêm 0,1%, đạt 5,1%. Dự báo cho năm 2018 không đổi, giữ nguyên mức 5,2%.

Trong ngắn hạn, IMF nhận thấy những rủi ro toàn cầu là "cân bằng", nhưng nói thêm rằng trong trung hạn, rủi ro "nghiêng về xu hướng giảm".

IMF cho biết: "Việc kéo dài tình trạng không chắc chắn về mặt chính sách hoặc các cú sốc khác có thể dẫn tới việc điều chỉnh giá trị của các thị trường đã tăng giá mạnh, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, và sự gia tăng biến động từ mức siêu thấp hiện tại. Và sau đó, điều này có thể làm giảm mức chi tiêu và niềm tin tiêu dùng nói chung, đặc biệt là ở những quốc gia dễ bị tổn thương về tài chính".

Nước Mỹ đang theo đuổi các chính sách mâu thuẫn nhau: Việc thực hiện các đề xuất kích thích tài khóa, chẳng hạn như cải cách thuế thu nhập, có thể đẩy nhu cầu và tăng trưởng sản lượng, nhưng việc theo đuổi các đề xuất cắt giảm chi tiêu sẽ là một lực cản.

IMF nói thêm, ở châu Âu, tình hình thị trường tích cực và ít rủi ro chính trị hơn có nghĩa là hoạt động kinh tế có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.

Trong tương lai, IMF sẽ khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách giải quyết các mối quan ngại trong trung hạn bằng cách thúc đẩy hợp tác toàn cầu, cũng như thương mại tự do và công bằng.

"Việc xây dựng một hệ thống thương mại cởi mở và dựa trên luật lệ đặc biệt quan trọng đối với sự thịnh vượng toàn cầu, nhưng nó phải được hỗ trợ bởi các chính sách nội địa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh, không chỉ đối với thương mại mà còn cho những thay đổi nhanh chóng về công nghệ", IMF nói.

"Việc đối thoại và hợp tác tích cực sẽ giúp cải tiến và hiện đại hoá các quy tắc, trong khi giải quyết mối quan tâm của các nước tham gia. Quá trình này sẽ đảm bảo lợi ích tương hỗ và sự công bằng."

Bá Ước

Nguồn CNBC