IMF cảnh báo Trung Quốc gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu hàng hóa
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, IMF cho biết các nước như Mông Cổ, Australia và Kuwait vốn hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc thời gian qua sẽ rất dễ bị tổn thương. Với tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc từ đầu năm đến nay, một số dấu hiệu xuất khẩu yếu đi của các nước này khiến đồng tiền mất giá cũng đã bắt đầu xuất hiện. IMF dự báo giá kim loại thế giới sẽ giả 4% và 5% tương ứng với năm 2013 và 2014.
IMF cảnh báo: "Sự lao dốc giá hàng hóa gây rủi ro về cân bằng tài chính của các nước xuất khẩu thu nhập thấp."
Báo cáo của IMF tập trung chủ yếu vào Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng trên thị trường hàng hóa nguyên liệu, giống như các báo cáo của FAO và OECD trước đó cũng đánh giá lượng nhập khẩu lương thực thực phẩm Trung Quốc tương lai dựa trên triển vọng sản lượng nông sản hàng năm.
Trong điều kiện tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ lương thực của Trung Quốc vẫn cao, IMF dự báo giá lương thực thực phẩm vẫn tăng nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên, sang năm 2014, ước tính giá sẽ giảm khoảng 6% do nguồn cung dồi dào.
Trong khi đó, IMF đánh giá thấp tác động của cách mạng khai thác đá phiến sét trong tăng trưởng kinh tế Mỹ, cho rằng hoạt động này chỉ "tác động khiêm tốn" đến GDP. IMF cũng cho biết sau 13 năm kéo dài cuộc cách mạng này, tác động của năng lượng đá phiến mới chỉ chiếm mức tăng thêm 1,2% trong GDP thực tế. Điều này do tỷ lệ sản xuất năng lượng trong nền kinh tế Mỹ, thậm chí tính cả các phụ phẩm kèm theo vẫn còn tương đối nhỏ.
Thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ duy trì ổn định với giá giao ngay trung bình sẽ là 104,5 USD/thùng năm 2013 và 101,4 USD/thùng năm 2014, cho thấy nhu cầu lọc dầu mạnh mẽ và nguồn cung thiếu hụt.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo gia tăng các rủi ro giá dầu thô tăng vọt nếu xảy ra tình trạng bất ổn và căng thẳng chính trị tại Trung Đông xảy ra làm gián đoạn sản lương toàn cầu. Báo cáo của IMF trình bày 3 kịch bản cho tác động của việc giá dầu thô tăng vọt, cảnh báo trong kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu 2014 sẽ giảm 0,5% điểm.
Nguồn Dân Việt/FT