Im lặng là đồng ý với thủ tục đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi văn bản lấy ý kiến các bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường lần cuối cùng trước khi 3 cơ quan chính thức ký ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường đối với dự án đầu tư.
Với một số nguyên tắc đã được thống nhất trong xây dựng thông tư liên tịch, như giảm tối đa nội dung thiếu rõ ràng hoặc mâu thuẫn, không tương thích, đơn giản hóa thủ tục, các bộ đã cùng nhau cụ thể hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), Thư ký Tổ soạn thảo cho biết, những thực tiễn tốt trong giải quyết thủ tục hành chính đang được một số địa phương thực hiện, như tổ chức họp liên ngành thẩm định hồ sơ thay vì lấy ý kiến bằng văn bản, áp dụng nguyên tắc “im lặng là đồng ý” với các trường hợp cơ quan được lấy ý kiến không trả lời đúng hạn…, đã được các bộ đồng tình áp dụng.
“Cách thức phối hợp thường thấy giữa các cơ quan nhà nước là hỏi ý kiến bằng văn bản. Cách này thường kém hiệu quả, hình thức và tốn thời gian. Xét về bản chất, yếu kém của quy định về thủ tục hành chính đã góp phần tạo ra bất cập này”, ông Hiếu phân tích và cho biết, việc các bộ thống nhất cắt giảm các bước không cần thiết sẽ giảm cả thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
“Tất nhiên, đi cùng với những đơn giản hóa về quy trình, nguyên tắc nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của nội dung hồ sơ dự án do mình lập và nộp tại các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng được xác định rõ”, ông Hiếu nói.
Cũng phải nhắc lại, để triển khai một dự án đầu tư có sử dụng đất, xây dựng và liên quan đến môi trường, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện khoảng 18 thủ tục, tùy vào từng dự án. Theo phân tích của ông Hiếu, nếu tính riêng lẻ từng thủ tục, thì đây là những thủ tục khó với nhà đầu tư, nhưng mức độ khó tăng lên nhiều lần vì nhà đầu tư phải thực hiện tất cả thủ tục này.
Tính riêng thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, khảo sát mới nhất của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) thực hiện năm 2013 cho thấy, mỗi dự án mất 580 - 865 ngày để thực hiện.
Khó khăn hơn ở chỗ, số ngày để hoàn tất các thủ tục này không có cơ sở để tiên liệu, thậm chí nhiều trường hợp, cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước không biết bắt đầu bằng thủ tục nào và thực hiện thủ tục nào tiếp theo, ở đâu.
Đơn cử, quy định cơ quan chịu trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng, theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và Nghị định 69/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có tới 3 cơ quan là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư được nhắc đến.
Vì vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), khi điều tra cảm nhận của DN về môi trường kinh doanh cấp tỉnh, đây là các thủ tục DN kêu ca nhất, nhưng khó đề xuất sửa đổi nhất. “Các quy định này được xây dựng và ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, thường thì theo góc độ riêng của mỗi cơ quan, ít cân nhắc, tính toán trong tổng thể quy trình thủ tục hành chính nhìn từ góc độ người đầu tư”, ông Tuấn phân tích và cho rằng, việc các bộ cùng ngồi với nhau để đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giải được bài toán phối hợp lâu nay DN luôn kêu ca.
Cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính:
* Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
* Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và môi trường.
* Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính về xây dựng.
Nguồn: Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường đối với dự án đầu tư.
Nguồn Đầu Tư Chứng Khoán