IKEA sẽ vẽ lại thị trường nội thất Việt Nam?
Theo tiết lộ từ Ủy ban Nhân dân Hà Nội, IKEA đang lên kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD.
Lộ trình để IKEA tấn công mở rộng sang các nước Đông Nam Á và Nam Mỹ (Chile, Colombia, Mexico, Peru...) là 5 năm. Tại khu vực Đông Nam Á, IKEA dự tính sẽ tiến vào Việt Nam, Philippines sau khi đã có mặt ở Singapore, Malaysia và Thái Lan. Công ty cũng đặt mục tiêu sẽ mở trung bình 25 cửa hàng/năm.
IKEA đang tìm động lực tăng trưởng mới, sau thời gian mở rộng thị trường tại Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Latvia. Hiện tại, hãng bán lẻ đồ nội thất đến từ Thụy Điển này đã thống lĩnh toàn cầu khi gây dựng hơn 400 cửa hàng tại 49 thị trường trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Á và Úc.
Không ít doanh nghiệp Việt Nam như Gilimex, Thép Nam Phát, Scansia Pacific... đã là đối tác gia công cho IKEA từ nhiều năm qua. Các doanh nghiệp này cho biết, khi hợp tác sản xuất với hãng nội thất Thụy Điển IKEA, tỉ suất lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm chỉ đạt khoảng 4-5%, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận từ các đơn hàng với đối tác khác (từ 15-20%). Nhưng các hợp đồng với IKEA lại có khối lượng lớn nên ổn định cao.
Bên cạnh đó, IKEA đặt ra nhiều tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp gia công cũng như hỗ trợ và phát triển xây dựng vùng nguyên liệu gỗ keo bền vững FSC - Forest Stewardship Council (Hội đồng Quản lý rừng). Vì vậy, thông qua các tên tuổi lớn như IKEA cũng là cách giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi vào thị trường xuất khẩu gỗ nội thất thế giới trị giá 140 tỉ USD, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị của toàn cầu.
Bất chấp cạnh tranh toàn cầu, IKEA vẫn đang tăng trưởng mạnh với doanh thu năm 2017 lên tới 39,3 tỉ USD. Nhưng so về tăng trưởng các năm trước thì con số này đã có sự chậm lại. Ông Torbjorn Loof, CEO của Inter IKEA, đơn vị quản lý thương hiệu IKEA từng kỳ vọng, chiến lược mở rộng thị trường sẽ giúp Hãng đạt tới tăng trưởng 8-9% trong những năm tới. Các thị trường mới nổi, những nơi IKEA có định vị khá tốt vì nhắm vào nhóm khách hàng trung lưu đang bùng nổ, là nhân tố chính để IKEA có thể đạt mục tiêu 500 cửa hàng vào năm 2020.
Dù chưa chính thức đặt chân nhưng sự hiện diện của chuỗi bán lẻ IKEA ở Việt Nam dự báo sẽ tác động mạnh đến bức tranh ngành bán lẻ nội thất. Ngành nội thất được đánh giá tiềm năng, khi nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân ở Việt Nam là 21 USD/người/năm. Tính ra, quy mô tiêu thụ nội thất trong nước năm 2018 đã lên đến con số khoảng 4 tỉ USD, chưa kể xuất khẩu, theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa). Vì thế, từ lâu thị trường nội thất thu hút hàng ngàn đơn vị tham gia. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tham gia vào phân phối, bán lẻ là đông đảo nhất. Đáng chú ý có các tên tuổi Nhà Xinh (nay là AKA), Phố Xinh, Nhà Vui, X’Home, Tavico, Home’Furni...
Thị trường nội thất Việt cũng đã thu hút nhiều hãng ngoại như UMA (Thụy Điển), Ashley (Mỹ) Index Living Mall (Thái Lan), Kimsfullhouse (Hàn Quốc). Sắp tới, nhiều hãng từ Đan Mạch, Đức, Thụy Điển cũng nhảy vào thị trường bán lẻ nội thất Việt.
Các công ty nội thất nước ngoài tìm cách bành trướng hoạt động vào Việt Nam vì nhìn thấy cơ hội từ nhập khẩu gỗ nội thất ở Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam dự kiến chi 500 triệu USD cho nhập khẩu đồ gỗ nội thất. Trong đó, đồ gỗ nội thất từ Trung Quốc đang áp đảo, chiếm đến 63%, kế đó là Hàn Quốc 11%, tiếp theo mới đến nội thất Ý. Mặt khác, với kim ngạch xuất khẩu hướng tới con số 10 tỉ USD, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Mô hình của IKEA dựa vào khối lượng - sản xuất hàng loạt nhằm đảm bảo có được mức giá thấp từ các nhà cung ứng và từ đó đưa ra giá thấp cho người mua. Vì vậy, việc đầu tư vào Việt Nam không chỉ đơn giản là mở chuỗi cửa hàng bán lẻ, mà còn hướng tới mô hình tổ hợp sản xuất, đưa Việt Nam tham gia và tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Theo tính toán của ông Vũ Tiến Thập, chủ thương hiệu Home’Furni Thập, đa phần gia đình sở hữu những căn hộ có giá trị trên 25 triệu đồng/m2 và sẵn sàng sử dụng dịch vụ thiết kế trang trí cho căn nhà. Nhưng chưa thật sự có nhiều hệ thống siêu thị nội thất đủ lớn để người dân có thể mua sắm tự do.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, CEO - sáng lập Công ty Nội thất thông minh X’Home, cho biết, các đơn vị bán lẻ nột thất cũng thường không có đơn vị tư vấn về thiết kế để khách hàng có thể lên ý tưởng. Ở góc nhìn khác, theo ông Lý Quí Trung, Tổng Giám đốc AKA Furniture Group, trong giai đoạn này, chưa nhìn có nhiều thương hiệu nội thất Việt tạo lập được ưu thế nổi trội tại thị trường trong nước. Vì vậy, sự xuất hiện của IKEA ở Việt Nam trong tương lai gần sẽ càng thêm động lực cạnh tranh để các đơn vị bán lẻ trong nước mạnh dạn thay đổi, bước ra khỏi những lối mòn phân phối quen thuộc.