Mai Hân Thứ Hai | 25/11/2019 11:28

iGen trong kỷ nguyên 4.0

Giới trẻ bằng đam mê và khát khao thể hiện, trên nền tảng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đã định hình lại thị trường việc làm trong tương lai.

Từ nghi ngại đến những content hàng đầu

Theo ước tính từ Social Blade, số tiền các Youtuber hàng đầu thị trường Việt Nam hiện nay thu về có thể dao động trong khoảng 500 triệu cho đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều bạn trẻ đã trở thành chủ nhân của các kênh YouTube với số lượng người xem khổng lồ như: Cris Devil Gamer stream (phát trực tiếp) các tựa game nổi tiếng; Thơ Nguyễn sở hữu kênh có các nội dung mang tính giải trí như review đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, hướng dẫn làm đồ chơi handmade, các thử thách vui nhộn. Hay Youtuber Nguyễn Đức Thịnh là chủ nhân kênh YouTube 5 minutes about IELTS - một trong những kênh của Việt Nam về học tập có hơn 231.000 lượt đăng ký...

Trước đó, chính những bạn trẻ này khiến nhiều người nghi ngại về “những kẻ lông bông” không nghề nghiệp, “suốt ngày cắm mặt vào điện thoại”. Thế nhưng, thành quả của họ đã đánh tan những nghi ngờ về những 9X có thể tạo dựng sự nghiệp và ảnh hưởng đến cộng đồng chỉ bằng một chiếc smartphone.

Đây là những cá nhân đại diện cho một thế hệ trẻ iGen đã tạo được dấu ấn và ảnh hưởng khi mạnh mẽ theo đuổi đam mê của riêng mình. Dấu ấn của họ đậm nét hơn khi sự dịch chuyển của công nghệ đã thay đổi cơ bản cách con người làm việc, cách con người tương tác với nhau trong kỷ nguyên 4.0.

 

Nền công nghiệp 4.0 ra đời kéo theo hàng loạt thuật ngữ mới AI, VR, AR, Automation, công nghệ in 3D, sinh trắc học, Robotics, điện toán đám mây… lạ lẫm và đòi hỏi việc tiếp thu, học hỏi từng ngày. Tốc độ phát triển của cuộc sống càng nhanh thì chúng ta – thế hệ trẻ càng phải đối diện với một loại nỗi sợ mới “sợ bị thay thế bởi máy móc”.

Thế nhưng, nhiều bạn trẻ đã nhanh nhạy tận dụng sự thay đổi lớn lao này để tự tạo cho mình một phong cách sống, làm việc và sáng tạo riêng. Nghiên cứu “Cách Làm Việc Mà Chúng Tôi Muốn” (How We Want To Work) được ManpowerGroup thực hiện dựa trên khảo sát gần 18.000 ứng viên từ 18 đến 65 tuổi tại 24 thị trường có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Kết quả cho thấy gần một nửa (45%) số ứng viên thích làm những loại hình công việc không phải toàn thời gian. Tỷ lệ ứng viên chọn mô hình làm việc không phải toàn thời gian thay đổi tùy thuộc từng quốc gia, nhưng lý do họ chọn những mô hình này đều xoay quanh nhu cầu muốn có sự linh hoạt, cuộc sống cân bằng và tự chủ.

Trên thực tế, thế hệ trẻ hiện nay sinh ra cùng với sự ra đời và phát triển như vũ bão của các mạng xã hội, từ Facebook, Twitter đến YouTube, Vine, Instagram. Mạng xã hội, công nghệ, smartphone trở thành một thứ hành trang công nghệ của họ khi vào đời, giao tiếp, giải trí lẫn mua sắm và cả làm việc một cách tự do nhất.

Cũng như các Youtuber nổi tiếng kể trên, nhiều bạn trẻ thậm chí đã tạo ra những mảng kinh doanh thành công trên nền tảng đam mê của mình, biến những điều tưởng chừng như “dị thường” thành “bình thường”. Họ thậm chí còn hình thành những xu hướng khởi nghiệp riêng như: IWWIWWIWI - I Want What I Want When I Want It - Tôi muốn thứ tôi muốn ngay khi tôi muốn; Everything Tech - dù sáng tạo ra sản phẩm hay dịch vụ gì cũng phải áp dụng công nghệ; sản phẩm và dịch vụ cho TÔI...

Chính những người trẻ dám bước qua rào cản và sức ỳ truyền thống đã tạo dựng được những startup Việt rất thành công, nhanh chóng tiến vào địa hạt của cả những doanh nghiệp lớn như Elsa Speak (gọi vốn được 7 triệu USD), Logivan (5,5 triệu USD), Rever (4 triệu USD)...

 

Mặc dù vậy, cũng không ít người trẻ thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp. Chị Bích Thủy, Trưởng phòng Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn Nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, cho biết: “Với sự xuất hiện của những nghề mới, một trong những kỹ năng chủ chốt cho các bạn chuẩn bị cho những ngành nghề trong tương lai chính là kỹ năng tự học”. Trong khi đó, chị Ngọc Trân, CEO Propath, Giám Đốc Quốc Gia Girl Rising nhận ra kỹ năng các bạn trẻ cần học hỏi liên quan đến cách sử dụng các thiết bị công nghệ. Nữ CEO nhận định: “Vấn đề là khi mình sử dụng những công cụ đó, chia sẻ của mình là, các bạn cứ tự hỏi là sau khi sử dụng những công cụ đó xong, thì bước tiếp theo sẽ làm gì, hay để làm gì, và những công cụ đó sẽ giúp ích cho mình cái gì?”.

5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Chỉ chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam nhưng Gen Z đang và sẽ có tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế trong nước, từ tiêu dùng đến giải trí.  Trong một nền kinh tế đang phát triển và giao thời với nhiều biến động nhanh chóng của thế giới, những người trẻ này phá bỏ nhiều rào cản và những thách thức, định kiến để theo đuổi đam mê, quyết tâm làm đến cùng. Nếu kinh nghiệm là bất lợi thì họ bù lại bằng những lợi thế vượt trội là nhiệt huyết và khả năng sáng tạo để theo đuổi tận cùng những đam mê và sở thích của mình.

Nếu cách đây một thập niên, một thế hệ khởi nghiệp chỉ bằng một cái laptop đã hình thành, thì nay cũng xuất hiện nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chỉ bằng một chiếc smartphone. Trên nền tảng internet, cloud, mạng xã hội... mạnh mẽ, chiếc smartphone giúp họ kết nối với thế giới, để đưa những ý tưởng, sản phẩm của họ từ Việt Nam đến với Thung lũng Silicon, sàn giao dịch London... Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sẽ trong tầm tay.

Trong lần đến Việt Nam, ông Koh, CEO phụ trách mảng di động và IT của Samsung, thừa nhận “các bạn thay đổi quá nhanh nên chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc thích nghi với tốc độ thay đổi của giới trẻ Việt Nam. Nhưng chính ở Samsung, có bộ phận C-Lab (phòng thí nghiệm sáng tạo) và NBNL (Next Business No Limits) thuộc mảng di động. Đây là nơi mà các nhân viên có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, không bị lệ thuộc vào kết quả hay thành tích. Có những ý tưởng ra đời ở đó đã được hiện thực hoá thành các sản phẩm đã ra mắt, và số khác sẽ được sử dụng trong tương lai. “Với văn hoá coi trọng ý tưởng của người trẻ, chúng tôi mong có thể phát triển thành một người khổng lồ linh hoạt, không bị chậm chạp và bị bỏ lại đằng sau”, ông Koh cho biết. Đó cũng chính là triết lý của Samsung, không ngừng khám phá, thay đổi, phát minh và tái định nghĩa mọi chuẩn mực, vì sáng tạo là không giới hạn, để tạo ra những điều không thể và từ đó không ngừng tạo ra những sản phẩm công nghệ mới mẻ, giúp phục vụ nhu cầu của người dùng và nâng tầm cuộc sống của họ,  vì thế giới cần những đột phá để kiến tạo nên tương lai tốt đẹp hơn.