IEA: Sự hồi phục của giá dầu vẫn rất mong manh
Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sản lượng dầu của Mỹ trong tháng 2 tăng 115.000 thùng/ngày, một phần trong số này được đưa vào các bể chứa - đang dần đạt đến công suất tối đa. Việc này sẽ khiến giá dầu lại giảm.
Trong tháng 2, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC ước tính tăng thêm 270.000 thùng/ngày lên 57,3 triệu thùng/ngày.
Tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 2 tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày lên 94 triệu thùng/ngày.
Thị trường tài chính đang theo dõi sát sao giá dầu - Brent đã hồi phục lên quanh mốc 60 USD/thùng sau khi giảm 60% trong 7 tháng qua xuống 47 USD/thùng hồi tháng 1/2015. Giá dầu giao dịch với biên độ hẹp trong 1 tháng qua, dấy lên câu hỏi liệu thị trường đã ổn định sau đợt lao dốc lịch sử.
IEA gọi sự ổn định của giá dầu trong thời gian qua là “giả tạo”.
Chốt phiên thứ Sáu 13/3, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 4/2015 trên sàn Nymex New York giảm 2,21 USD, tương đương 4,7%, xuống 44,84 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 4/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 2,41 USD, tương đương 4,2%, xuống 54,67 USD/thùng.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu lại giảm là nguồn cung dầu của Mỹ, bùng nổ nhờ công nghệ khoan thủy lực tại các vùng dầu đá phiến. IEA đã nâng dự báo sản lượng dầu Mỹ trong quý I/2015. Dự trữ dầu thô của Mỹ đang ở mức kỷ lục khi các nhà sản xuất Mỹ không giảm sản lượng với tốc độ nhanh như nhiều người dự đoán khi giá dầu lao dốc.
Vì lý do này IEA dự đoán giá dầu sẽ lại tuột dốc khi nguồn cung vẫn tiếp tục dồi dào, nhưng cũng dự đoán nguồn cung dầu của Mỹ sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay.
Tháng trước, IEA cho biết, việc giá dầu hồi phục dường như là “chắc chắn xảy ra” trong nửa cuối năm nay khi sự bùng nổ dầu đá phiên của Mỹ chững lại. Giới quan sát đang chờ xem tăng trưởng dầu đá phiến của Mỹ chậm lại kể từ tháng 11/2014 khi OPEC quyết định không giảm mục tiêu sản lượng nhằm giữ thị phần.
Quyết định này của OPEC được hiểu là lời tuyên chiến với dầu đá phiến của Mỹ - có chi phí sản xuất cao hơn so với khai thác dầu truyền thống tại các nước OPEC kể cả Arab Saudi. Mới đây, Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem el-Badri tuyên bố giá dầu lao dốc đang gây tổn thương cho ngành dầu đá phiến tại Bắc Mỹ.
Ngoài Mỹ, các nước có lượng dầu dự trữ lớn là Trung Quốc và Ấn Độ - đang tăng cường dự trữ dầu chiến lược, theo IEA. Tại Mỹ, hiện nguồn cung dầu thô đã lên đến 70% công suất bể chứa và trung tâm dự trữ dầu Cushing, Oklahoma, dự đoán sẽ đạt công suất tối đa vào mùa xuân này. Dự trữ dầu tại châu Âu, Nam Phi, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đạt 80% công suất sức chứa.
Nhu cầu dầu - vốn rất kho có thể đo đạc được - tại châu Âu và Mỹ khá tích cực, nhưng tại Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ - dường như vẫn ảm đạm, IEA cho biết.
Nói chung, IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm nay thêm 75.000 thùng/ngày lên 1 triệu thùng/ngày, đưa tổng nhu cầu dầu toàn cầu lên trung bình 93,5 triệu thùng/ngày.
IEA cho biết, dự báo nhu cầu dầu cao hơn sẽ làm tăng tiêu thụ dầu thô của OPEC - được dự báo tăng thêm 100.000 thùng/ngày lên 29,5 triệu thùng/ngày trong năm 2015.
Nguồn DVO/WSJ/Reuters