Thứ Tư | 04/06/2014 07:30

IEA: Đến năm 2035 sẽ cần 40 nghìn tỷ USD đầu tư vào nguồn cung năng lượng

IEA cho biết, để đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng của thế giới đến năm 2035 sẽ cần đến 40 nghìn tỷ USD tiền đầu tư.
Theo bản báo cáo ra ngày 3/6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng của thế giới đến năm 2035 sẽ cần đến 40 nghìn tỷ USD tiền đầu tư khi nhu cầu tăng, trong khi cơ sở sản xuất và chế biến phải tiến hành thay thế.

Số tiền chi cho hoạt động chiết xuất dầu mỏ và khí đốt trên thế giới sẽ tăng 25% lên 850 tỷ USD/năm vào năm 2035
Số tiền chi cho hoạt động chiết xuất dầu mỏ và khí đốt trên thế giới sẽ tăng 25% lên 850 tỷ USD/năm vào năm 2035

Hơn ½ số tiền nêu trên sẽ dùng để bù đắp sự sụt giảm sản lượng dầu thô và khí đốt tại các khu vực đã khai thác đến ngưỡng, và phần còn lại chi cho việc tìm kiếm các nguồn cung cấp mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Thế giới sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nước đang hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận trữ lượng dầu mỏ của họ khi sản lượng dầu đá phiến của Bắc Mỹ giảm dần từ giữa thập niên tới.

Tuy sự bùng nổ dầu đá phiến đang đẩy sản lượng của Mỹ lên mức cao nhất trong gần 30 năm qua, làm giảm sự phụ thuộc của nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất này vào nguồn nhập khẩu, song sự gia tăng sản lượng này được dự báo đang giảm dần, khôi phục lại tầm quan trọng của các nguồn cung cấp từ Trung Đông và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo bản báo cáo của IEA, số tiền chi cho hoạt động chiết xuất dầu mỏ và khí đốt trên thế giới sẽ tăng 25% lên 850 tỷ USD/năm vào năm 2035, với phần lớn số tiền đó tập trung vào khí đốt tự nhiên. Trên thị trường thế giới, cầu sẽ vượt cung nếu các khoản đầu tư vào các nước Trung Đông giàu tài nguyên ở mức quá thấp, đẩy giá dầu lên thêm trung bình 15USD/thùng vào năm 2025. Giá dầu Brent kỳ hạn trung bình ở mức 108,7 USD/thùng hồi năm ngoái.

Triển vọng tăng đầu tư vào dầu mỏ tại khu vực Trung Đông vẫn chưa rõ ràng. IEA ước tính, hơn 70% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt toàn cầu đang thuộc sở hữu của các công ty nhà nước. OPEC hiện chiếm đến 40% nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu.

Các quyết định cam kết đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các biện pháp chính sách và khuyến khích của chính phủ chứ không phải những dấu hiệu từ thị trường cạnh tranh.

Khoảng ½ trong số 40 nghìn tỷ USD chi cho lĩnh vực năng lượng sẽ dành cho chiết xuất, lọc dầu và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch. 2/3 trong số 40 nghìn tỷ USD sẽ được dành cho các nền kinh tế mới nổi. Khoản đầu tư cần thiết cho năng lượng có khả năng tái tạo sẽ là 6 nghìn tỷ USD cùng với 1 nghìn tỷ USD nữa cho năng lượng nguyên tử.

Khoản chi hàng năm để đáp ứng yêu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2035, từ 1,6 nghìn tỷ USD năm 2013.

Số tiền chi cho hiệu quả năng lượng đến năm 2035 sẽ đẩy tổng tiền đầu tư cần thiết lên 48 nghìn tỷ USD, theo IEA.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Sự kiện