IEA: Cuộc chiến giành thị phần của OPEC chỉ mới bắt đầu
Cuộc chiến giành thị phần giữa OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, khiến thị trường dầu chao đảo và khiến giá dầu lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, mới chỉ bắt đầu.
Giá dầu tuột dốc từ tháng 6/2014 trong bối cảnh dư cung toàn cầu do bùng nổ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong khi nhu cầu ảm đạm, đe dọa vị thế thị trường của một số nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Giá dầu lao dốc cũng đã khơi mào cho cuộc chiến thị phần được đánh dấu bằng quyết định không giảm mục tiêu sản lượng của OPEC, bất kể giá giảm. Chiến lược gây tranh cãi này được đưa ra trong phiên họp hồi tháng 11/2014 và gửi thông điệp mạnh mẽ rằng OPEC sẽ không để thị phần rơi vào tay đối thủ.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng vừa công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sách lược của OPEC đang phần nào phát huy hiệu quả. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã liên tục phải cắt giảm chi phí và tạm ngừng hoạt động các giàn khoan. IEA dự đoán, tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ chỉ tăng 80.000 thùng/ngày trong tháng này.
Tuy nhiên, các nước sản xuất khác ngoài OPEC vẫn tiếp tục tăng sản lượng. Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 bất ngờ tăng 185.000 thùng/ngày và sản lượng của Brazil tăng 17% trong quý I năm nay, theo IEA. Đáng chú ý là giá dầu hồi phục trong thời gian qua cũng tiếp thêm động lực cho các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Trong báo cáo ra hôm thứ Tư 13/5, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của các nước sản xuất ngoài OPEC thêm 200.000 thùng/ngày lên 830.000 thùng/ngày.
“Do vậy, còn quá sớm để nói OPEC đã chiến thắng trong cuộc chiến giành thị phần. Thay vào đó, cuộc chiến giành thị phần mới chỉ bắt đầu”, IEA tuyên bố.
Trong bối cảnh OPEC chuẩn bị nhóm họp vào tháng 6 tới, Khối này chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc sẽ từ bỏ chiến lược đang thực hiện. Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 4 tăng lên 31,2 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2012 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của IEA.
Thực tế, quyết định không cắt giảm mục tiêu sản lượng của OPEC hồi tháng 11 năm ngoái chỉ là “bước đầu tiên trong kế hoạch, bao gồm cả tăng sản lượng và tăng đầu tư vào công suất tương lai”, IEA cho biết. Trong khi các nước sản xuất ngoài OPEC đang cắt giảm chi phí, Kuwait, Arab Saudi và UAE đều mở rộng chương trình khoan dầu. Sản lượng dầu của Iraq trong tháng 4 lên cao nhất kể tử 1979 và nguồn cung dầu của Iran cũng lên cao nhất kể từ tháng 7/2012.
IEA cũng dự báo nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô của OPEC trong năm nay đạt 29,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với sản lượng hiện tại của Khối.