ICAEW: Dòng tiền đổ vào chứng khoán Việt Nam và khu vực không ổn định
Báo cáo “Tầm nhìn kinh tế Đông Nam Á” ngày 29/5 của Cebr chỉ ra, tăng trưởng kinh tế trì trệ ở các nước công nghiệp khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các nền kinh tế mới nổi để tìm kiếm lợi suất cao hơn. Các thị trường chứng khoán đã nhanh chóng đón làn sóng vốn này và đẩy giá cổ phiếu tăng vọt.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Indonesia tăng 28,6%, Phlippines 20,7%, Thái Lan 15,8% và Việt Nam 12,9%. Những thị trường tăng trưởng thấp hơn như Malaysia 10,2%, Singapore 10,1% nhưng đều vượt tốc độ tăng trưởng của thị trường Nhật Bản là 4,5%, châu Âu 4,8% và Mỹ là 6,3%. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2012, chứng khoán Philippines tăng 34,1% trong khi Indonesia tăng 19,9%.
“Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này ở một số nước không ổn định và có thể đối mặt với tình trạng bong bóng”, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại Cebr, ông Charles Davis cảnh báo.
Cebr cảnh báo, tăng trưởng tín dụng nhanh thường gây ra tình trạng đầu tư không hiệu quả do nhà đầu tư quá ảo tưởng về tương lai. Cebr lo ngại, Malaysia có thể rơi vào tình trạng bong bóng ngay cả khi tăng trưởng kinh tế ở đây không do dòng tiền nóng từ các nền kinh tế phát triển. Tháng trước, thị trường chứng khoán Malaysia hút ròng 63,35 triệu USD vốn ngoại, nâng tổng lượng vốn ngoại lên 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm.
Cùng với các nước như Singapore và Thái Lan, tỷ lệ nợ trên thu nhập của Malaysia đã lên 120-130% GDP và có xu hướng tiếp tục kể từ năm 2011 khi triển vọng kinh tế khu vực được cải thiện.
Trưởng bộ phận kinh tế Đông Nam Á và Ấn Độ của Credit Suisse, Robert Prior-Wandesforde, cho rằng, nếu đà tăng này tiếp tục sẽ làm tăng nguy cơ tăng trưởng quá nóng hoặc tình trạng bong bóng cho các nền kinh tế Đông Nam Á nói chung, Malaysia nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Mark Billington, giám đốc ICAEW tại Đông Nam Á, cho rằng, mức nợ chỉ bằng một nửa giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng tài chính châu Á nên chỉ đáng lo ngại khi tăng trưởng tín dụng vượt tăng trưởng GDP danh nghĩa.
Nguồn ICAEW/Dân Việt