buivanngo.com.vn
Ì ạch cơ khí nông nghiệp
Nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu, trở thành nút thắt trong phát triển chế tạo máy nông nghiệp.
Mục tiêu khó của Bùi Văn Ngọ
Tận dụng cơ hội tham dự SIMA ASEAN Thailand 2017, Công ty Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ muốn nối lại thị trường Thái và thâm nhập sâu hơn vào ASEAN. Thế nhưng, mục tiêu này không hề dễ dàng khi các nhà chế tạo Thái Lan đã vượt lên và thị trường ASEAN đang là “miếng bánh ngon” thu hút các nhà chế tạo máy nông nghiệp đến từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và xa hơn nữa là nước Pháp.
Hiện nay, các loại máy chế biến lúa gạo của Bùi Văn Ngọ chiếm khoảng 60-65% thị phần thị trường trong nước. Xuất khẩu máy nông nghiệp tới 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đang mở rộng sang Trung Đông, Nam Phi buộc Bùi Văn Ngọ phải luôn chú trọng đến việc thiết kế các dòng máy phù hợp với điều kiện của từng thị trường, nhấn mạnh yếu tố công nghệ, chất lượng và vẫn bảo đảm yếu tố giá cạnh tranh.
Trong lĩnh vực chế biến lúa gạo, so với dòng máy đến từ Trung Quốc, thiết kế của Bùi Văn Ngọ được đánh giá là hiện đại hơn, nhưng thiết kế của người Việt này đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của Bühler của Thụy Sĩ. Ngoài việc đầu tư 10 triệu USD để xây dựng một nhà máy chế tạo máy chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Long An, Tập đoàn Bühler đang nỗ lực nội địa hóa để giảm giá thành, hướng đến mục tiêu có 1.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 5.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng công nghệ của Bühler.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngoài việc các dòng máy chế biến, xay xát lúa được nhập khẩu ồ ạt, nhiều nhà chế tạo máy nông nghiệp nước ngoài cũng gấp rút đầu tư vào Việt Nam, thậm chí cố gắng nội địa hóa để giảm giá thành, cạnh tranh trên chính thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận khu vực ASEAN.
Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, nói với NCĐT về việc “không dễ dàng” giữ được thị phần trong nước và bảo đảm tỉ lệ xuất khẩu ở mức 30% doanh số. Nhu cầu máy nông nghiệp năm 2015 và 2016 chững lại, doanh số năm 2016 của Công ty sụt giảm, chỉ đạt hơn 400 tỉ đồng, giảm nhiều so với thời điểm cao là 600 tỉ đồng.
Sang nửa đầu năm 2017, dù tình hình đã khá hơn, doanh thu dự kiến tăng 5% so với năm 2016, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn rất khó khăn bởi phụ thuộc vào chính sách phát triển nông nghiệp của quốc gia trong từng giai đoạn. Vẫn phải tự bơi trong cơ chế thị trường, Bùi Văn Ngọ quyết định nối kinh doanh với thị trường Thái và tiến sâu hơn vào thị trường ASEAN, với nền tảng kinh nghiệm xuất khẩu hơn 200 máy vào thị trường Thái giai đoạn 1997-2007.
Nút thắt gia công
Theo Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, máy móc, thiết bị nông nghiệp nhập khẩu chiếm tới hơn 70%.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam đang phải tự xoay xở hội nhập khu vực trong bối cảnh thiếu thông tin, tài chính và đặc biệt nguồn lực từ Chính phủ. Vỏn vẹn chỉ 3 doanh nghiệp tham gia SIMA ASEAN Thailand 2017, ông Võ Trần Thanh Huy, phụ trách maketing quốc tế của Công ty IMPACT Exhibition Management, đơn vị tổ chức SIMA 2017, nói con số này “đã nhiều hơn năm trước”, dù vẫn rất ít so với 7 khu vực triển lãm của doanh nghiệp ngoài Thái Lan.
Tại SIMA ASEAN Thailand 2017, Công ty Bùi Văn Ngọ đã phải cọ xát với các nhà chế tạo Nhật, Pháp, Hàn Quốc khi chứng kiến những thiết kế mới và hiện đại nhất được đưa vào thị trường Thái và ASEAN, trong khi sản phẩm của các doanh nghiệp của Trung Quốc lại phủ rộng khắp các lĩnh vực cơ khí nông nghiệp.
Theo ông Huy, các công ty của Trung Quốc có mặt ở tất cả các triển lãm quốc tế của Thái Lan với quy mô lớn. Sự hỗ trợ từ Chính phủ, sản xuất quy mô lớn đang là những yếu tố giúp doanh nghiệp Trung Quốc giành lợi thế về giá cũng như thời gian hoàn thành đơn hàng ngắn hơn so với các nhà chế tạo đến từ Nhật, Pháp hay Hàn Quốc tại thị trường Thái.
Một điểm nữa, ngày càng nhiều lao động có nguồn gốc Trung Quốc tới làm việc tại Thái Lan, cộng với mối quan hệ làm ăn lâu năm, giúp các nhà chế tạo Trung Quốc tìm kiếm những bạn hàng mới trong khu vực ASEAN không gặp nhiều khó khăn.
SIMA ASEAN Thailand 2017 tập hợp được những cái mới, độc đáo trong chế tạo nông nghiệp của ASEAN và thế giới. Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và quốc tế, cho rằng, sẽ rất hữu ích cho doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp của Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm, nhưng ông vẫn “buồn” về việc một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng rất khá lại “chưa dám ra khu vực”.
“Nước ta nói muốn làm nông nghiệp nhưng chưa thực sự đầu tư cho nông nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp được tuyên bố khá nhiều nhưng những người thật sự cần ưu đãi lại không tiếp cận được. Nếu đã có hướng đi tốt thì phải làm cho tới cùng, không nên bày ra rồi bỏ đó”, Giáo sư Xuân cho biết.
Sự yếu kém trong lĩnh vực máy nông nghiệp được chỉ ra là do các doanh nghiệp cơ khí nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, thiếu sự quan tâm vào ngành cơ khí. Doanh nghiệp ít tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế, tính chuyên môn hóa trong sản xuất thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Nhập khẩu thay vì đi sâu nghiên cứu chế tạo đang trở thành nút thắt trong phát triển cơ khí nông nghiệp của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Ngô Quốc Dũng, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho đây là hậu quả của mô hình tăng trưởng “nhờ vào gia công”. Theo ông, các ngành thượng nguồn với chức năng sản xuất hàng hóa trung gian không phát triển, vì thế sản xuất luôn phải nhập khẩu các yếu tố đầu vào. Năm 2016, chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng GO (giá trị sản xuất) và GDP là 2,89 điểm phần trăm, giảm so với các năm trước của giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng “nhờ vào gia công”, chủ yếu dựa trên lợi thế về lao động rẻ.
“Gia công” trong sản xuất nông nghiệp thể hiện trên 3 mặt chính. Một là các sản phẩm nông nghiệp truyền thống với giá trị kinh tế thấp vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt vẫn chiếm 72% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và trên 50% giá trị sản xuất ngành nông, lâm - ngư nghiệp.
Hai là sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên trình độ kỹ thuật ở mức thủ công và nửa cơ khí. Hầu hết nông sản của Việt Nam đều được bán dưới dạng thương phẩm thô, với giá thường thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh do thua kém về chất lượng và các nguyên nhân khác, tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên quảng canh hoặc đẩy mạnh thâm dụng đất và các tài nguyên khác, sản xuất nông nghiệp vẫn chịu rủi ro khá lớn đối với điều kiện tự nhiên.
Ba là mô hình sản xuất trong nông nghiệp phần lớn vẫn là quy mô nhỏ bé manh mún, phân tán, tính chất hàng hóa vẫn còn thấp. Việt Nam chỉ có 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại, nhân tố chủ chốt trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn còn rất ít.
Nền kinh tế dựa vào gia công không chỉ thể hiện tính kém hiệu quả mà nó còn phản ánh những dấu hiệu đáng lo ngại hơn, đó là phản ánh sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế đối với bên ngoài. Số liệu Tổng cục Thống kê năm 2016 cho thấy, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm 41,4%. Điều này, ông Ngô Quốc Dũng cho rằng đã trở thành yếu tố làm ngành nông nghiệp suy giảm về hiệu quả và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế không chỉ trong năm 2016 mà có thể cả giai đoạn sau nếu không có chính sách khắc phục.
Nông nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế quốc dân của nhiều quốc gia trong khu vực. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã có một gian rất lớn tại SIMA 2017, trong khi Đại học Kasetsart là một trong các nhà tài trợ chính. Vị giáo sư còn đếm được hơn 30 đề tài nghiên cứu mới nhất của các trường đại học, các viện nghiên cứu nông nghiệp của Thái Lan và học giả Mỹ, Nhật, Pháp. Vị giáo sư đầu ngành nông nghiệp của Việt Nam cho đây là những cái mới, những cái nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài, phải đi theo trào lưu này để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, bền vững cho môi trường đất và nước của Việt Nam.
Hải Vân