Các chính sách của Việt Nam cho thấy mức độ ưu tiên thấp đối với năng lượng hydrogen. Ảnh: shutterstock

 
Hải Vân Thứ Năm | 21/03/2024 14:00

Hydrogen & đích đến 40 tỉ USD

Khoảng cách giữa chính sách và nhu cầu đầu tư có thể khiến Việt Nam bỏ lỡ tham gia chuỗi giá trị, khó để lại dấu chân carbon với chi phí thấp.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn The Green Solutions, mới có chuyến công tác Hà Nội để tham dự cuộc họp của Chính phủ với tư cách chủ đầu tư 2 dự án sản xuất hydrogen ở Trà Vinh và Bạc Liêu. Những hạng mục đầu tiên của các dự án này đang dần định hình chỉ sau gần một năm khởi công, có thể là chất xúc tác đẩy mạnh những nỗ lực của Việt Nam khi phát triển nền kinh tế carbon thấp thông qua thu hút đầu tư vào lĩnh vực hydro.

Vì một nền kinh tế hydro

Theo bà Quyên, các khoản đầu tư được dành cho năng lực sản xuất hydrogen sẽ là động lực để đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh của hệ thống năng lượng không carbon. Ngoài ra, nguồn tiền thu được nhờ bán tín chỉ carbon từ các nhà máy sản xuất hydrogen cũng rất lớn. Bà Quyên ước tính, việc bán tín chỉ carbon của nhà máy sản xuất hydrogen Bến Tre, công suất 24.000 tấn/năm, có thể lên tới 37 triệu USD/năm.

Dẫu nhiều thách thức, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi dòng đầu tư vào năng lượng sạch. Ông Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK của Hàn Quốc, tại một diễn đàn về hydrogen vào cuối tháng 10/2023, cho biết SK đang triển khai nghiên cứu, xây dựng một chuỗi giá trị, bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng tái tạo và hydrogen tại Việt Nam. “Chúng tôi cũng tìm kiếm các dự án mang tính khả thi, phối hợp với các đối tác ở Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái hydro xanh, bao trọn các bước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu”, ông nói.

Theo Chủ tịch SK, Việt Nam bây giờ tương tự Hàn Quốc thời điểm trước năm 2020, khi Chính phủ triển khai các chương trình hành động vì một nền kinh tế hydro trong tương lai. Thế nhưng, ngành công nghiệp hydro của Hàn Quốc chỉ thực sự phát triển sau khi Chính phủ Hàn Quốc đưa ra một chiến lược rõ ràng, nêu rõ từng nội dung ưu tiên, cũng như cơ chế hỗ trợ tài chính.

Thậm chí, từ nay đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ ưu tiên xúc tiến nội địa hóa các công nghệ cao trong sản xuất hydro, như điện phân PEM (màng trao đổi Proton) và điện phân nước (công nghệ sản xuất hydro xanh có độ tinh khiết lên tới 99,99%), đồng thời phát triển công nghệ gốc thế hệ mới, như điện phân nước màng trao đổi ion âm (AEM), điện phân oxit rắn (SOEC).

Càng nhanh càng tốt

Khác với các tập đoàn tư nhân và nước ngoài, các tập đoàn lớn tại Việt Nam lại chưa sẵn sàng đưa ra quyết định đầu tư vào hydrogen, do lo ngại vốn đầu tư lớn. Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một trong những lý do là giá thành sản xuất hydrogen hiện nay vẫn rất cao, khoảng 2,5-6 USD/kg và hydro truyền thống là 1-2 USD/kg, mức giá này sẽ gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydrogen của các nhà máy thuộc EVN. Để đảm bảo cạnh tranh với các nguồn điện khác có chi phí thấp hơn, EVN sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện từ nguồn hydrogen.

Việt Nam là 1 trong 40 quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Quy hoạch Điện 8, khi các nguồn năng lượng mới và tái tạo đã nổi lên như một đột phá, thì hydrogen trở thành nguồn điện được ưu tiên phát triển, tăng tỉ lệ lên mức 47% vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên 67,5-71,5% vào năm 2050, với điều kiện những cam kết JETP sẽ được các đối tác thực hiện đầy đủ và thực chất.

Việt Nam có thể tận dụng “kỷ nguyên phi carbon hóa” để tối đa hóa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo đang có cho sản xuất hydrogen. Thế nhưng, để sản xuất từ 100.000-500.000 tấn hydrogen vào năm 2030, tăng lên 10-20 triệu tấn vào năm 2050, tương đương 5-10% nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước, như Bộ Công Thương đề xuất, nhiều nhà phát triển năng lượng cho rằng, Việt Nam sẽ phải phát triển hydrogen càng nhanh càng tốt. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam tham gia vào quá trình kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện, từ khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Các chính sách của Việt Nam cho thấy mức độ ưu tiên thấp đối với năng lượng hydrogen. Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển công nghệ năng lượng Việt Nam (Vnergy) nhận định: “Việt Nam chưa có một quy hoạch chuyên ngành cho hydro”. Đến nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất hydro xám, công suất khoảng 500.000 tấn/năm, phục vụ nhu cầu các ngành công nghiệp sản xuất dầu, khí đốt và phân bón.

Ông Phong chỉ ra rằng, khung chính sách và cơ chế hỗ trợ cho ngành công nghiệp hydro vẫn còn nằm rải rác trong các quy hoạch khác nhau, thiếu tính nhất quán và đồng bộ. Các chính sách phần lớn vẫn chỉ mang tính định hướng và mục tiêu chung, chưa có những quy định chi tiết và lộ trình cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu này. Thậm chí, khí hydro ở Việt Nam đang được quản lý dưới dạng một loại khí công nghiệp, chưa có một khung pháp lý chuyên biệt về hydro với vai trò như một phân ngành năng lượng, chưa có các quy định pháp luật điều chỉnh cho hydro trong lĩnh vực an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo Giám đốc Vnergy, việc xây dựng và ban hành chính sách theo giai đoạn là phù hợp, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trên tinh thần lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2023-2025 xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách, bao gồm quy hoạch chuyên ngành về phát triển hạ tầng năng lượng hydro; cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư đối với lĩnh vực hydro; Nghị định về kinh doanh hydro; cơ chế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hydro; cơ chế đặc thù về phòng cháy chữa cháy riêng cho lĩnh vực hydro. Giai đoạn 2024-2026 sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực hydro.

Cơ hội tiệm cận nguồn năng lượng mới đang mở rộng, việc ban hành chính sách kịp thời và xử lý linh hoạt những vướng mắc sẽ giúp Việt Nam tiệm cận thị trường thế giới và thu hút đầu tư vào hydrogen.