Huyền Như chiếm đoạt SBBS, ORS, VIB bao nhiêu tiền?
Trong các nguyên đơn dân sự và Người bị hại có VIB, ORS, SBBS... Vậy các đơn vị này bị "siêu lừa" chiếm đoạt bao nhiêu tiền.
Trong Bản án hình sự sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27.1.2014 Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Đồng phạm có Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) Chi nhánh TP.HCM, CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS), CTCP Đầu tư và Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc), CTCP Chứng khoán SaigonBank-Berjaya (SBBS) trong danh sách các nguyên đơn dân sự và người bị hại.
Tháng 5.2010, thông qua Vũ Minh Hải, nhân viên CTCP Chứng khoán Đại dương (OCS) giới thiệu, Như biết được SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào VietinBank Chi nhánh TP.HCM với lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và phí ngoài hợp đồng từ 2-6%/năm, tổng cộng là từ 16-18%/năm. Từ ngày 18.5.2011-31.8.2011, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh, Giám đốc và Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, đóng dấu giả VietinBank Chi nhánh Nhà Bè huy động 225 tỉ đồng. Sau đó, Như làm lệnh chi giả, ký giả chữ ký của chủ tài khoản bà Yeipheek Joo, Tổng Giám đốc SBBS và đóng dấu giả của SBBS để chiếm đoạt SBBS 210 tỉ đồng.
Như khai đã chi cho Vũ Minh Hải 30 tỉ đồng môi giới nhưng Hải chỉ thừa nhận 20 tỉ đồng, trong đó Hải hưởng 7 tỉ đồng, chia cho Vũ Thị Mỹ Linh, kế toán trưởng SBBS 13 tỉ đồng, Linh thừa nhận là 9,9 tỉ đồng.
Tháng 8.2011, Lê Thị Thanh Phương chủ động gọi điện thoại cho Như đặt vấn đề có nguồn tiền muốn thông qua 2 công ty là ORS, Công ty An Lộc để gửi vào VietinBank Chi nhánh TP.HCM, lãi suất theo hợp đồng 14%/năm, chênh lệch ngoài hợp đồng 5-5,5%/năm.
Từ ngày 11.8.2011-12.9.2011, ORS, Công ty An Lộc khi chưa ký hợp đồng thì đã chuyển vào tài khoản thanh toán của họ mở tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM 1.860 tỉ đồng, trong đó ORS 1.190 tỉ đồng, Công ty An Lộc 670 tỉ đồng, trong đó có 4 hợp đồng trị giá 170 tỉ đồng Công ty An Lộc chưa ký. Đến nay, Như đã trả được 1.310 tỉ đồng, còn lại chiếm đoạt của ORS 380 tỉ đồng, Công ty An Lộc 170,35 tỉ đồng.
Như khai đã chi cho Lê Thị Thanh Phương 70 tỉ đồng chênh lệch ngoài hợp đồng. Kết quả điều tra xác định Như chuyển qua tài khoản của em trai Phương là Lê Tuấn Anh và chồng Phương là Ngô Quang Trung số tiền 5.918.345.000 đồng.
Khoảng đầu năm 2011, do đang cần tiền để trả cho các cá nhân cho Như vay với lãi cao, Như nói dối với Huỳnh Hữu Danh, nhân viên VIB Chi nhánh TP.HCM, Như có tiền nhờ người thân và bạn bè đứng tên đã gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè nhưng chưa đến hạn, nay cần tiền muốn thế chấp các hợp đồng tiền gửi đó để vay tiền của VIB Chi nhánh TP.HCM.
Danh là nhân viên khách hàng của VIB chi nhánh TP.HCM, Danh có trách nhiệm kiểm tra, hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay tiền; thẩm định tài sản đảm bảo và đề xuất việc cho vay. Từ tháng 1.2011 - 8.9.2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến VIB vay tổng số tiền 480,3 tỉ đồng; tài sản thế chấp là 40 hợp đồng tiền gửi mang tên tài khoản các cá nhân này gửi tiền tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè; tài liệu điều tra xác định do Như làm giả.
Danh đã không thực hiện việc đến VietinBank Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi này mà tin tưởng nhận các xác nhận phong tỏa (do Như làm giả) thông qua Trần Thị Tố Quyên (nhân viên CTCP Đầu tư Hoàng Khải, công ty do Như lập ra) chuyển cho Danh; nên đã không phát hiện 40 hợp đồng tiền gửi mang tên 12 cá nhân gửi tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè là không có thật, do Như làm giả rồi nhờ 12 cá nhân đứng tên thế chấp, vay tiền; dẫn đến việc Như đã lừa đảo vay được tiền của VIB Chi nhánh TP.HCM; đến nay Như còn chiếm đoạt VIB Chi nhánh TP.HCM 180 tỉ đồng.
Hành vi của Huỳnh Hữu Danh đã vi phạm quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31.12.2001 của Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế cho vay và bảo lãnh cho vay.
Ngày 15.12.2014, TAND Tối cao tại TP.HCM đưa "siêu lừa" Huyền Như ra xét xử phúc thẩm. Trước đó, Huyền Như đã bị tuyên án tù chung thân tại phiên tòa cấp sơ thẩm vào đầu năm nay.
Nguồn Một Thế Giới