Hủy nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Trung Quốc
Năm 2011, nhãn hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột” bị một công ty ở tỉnh Quảng Châu - Trung Quốc có tên là Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd đăng ký độc quyền.
Sau gần 2 năm khiếu kiện, đầu tháng 2/2014, Phòng Xét xử vàXem xét lại nhãn hiệu - Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột” ở nước này và đến hôm nay (1/3), phán quyết này đã chính thức có hiệu lực.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc về vấn đề này:
Thưa Tiến sỹ, Hiệp hội cũng như chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đã làm gì để phía Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột?
Tiến sĩ Trịnh Đức Minh:Đây là lần đầu tiên chính quyền địa phương cũng như Hiệp hội gặp phải việc thương hiệu hàng hóa nổi tiếng của địa phương cũng như của Việt Nam bị một doanh nghiệp khác chiếm dụng ở nước ngoài.
Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột sau khi được sự ủy quyền của UBND tỉnh đã tìm một đại diện pháp lý là Văn phòng luật sư Phạm và Liên doanh, đã ủy quyền cho văn phòng luật sư này đứng ra nộp đơn sang phía Trung Quốc thông qua một văn phòng luật sư của phía Trung Quốc.
Buôn Ma Thuột là nơi sản xuất cà phê quan trọng và nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: KT |
Chúng ta phải cung cấp đủ chứng cứ theo yêu cầu về mặt pháp lý chứng minh rằng Buôn Ma Thuột là nơi sản xuất cà phê quan trọng của Việt Nam, và nổi tiếng ở Việt Nam cũng như nổi tiếng trên thế giới.
Sau khi nộp, từ 13/3/2012, chúng ta chính thức nhận được phản hồi của Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu của Trung Quốc. Đến nay, họ đã đồng ý, chấp nhận khiếu nại đòi hủy bỏ nhãn hiệu của chúng ta là chính đáng và tuyên bố hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký tại Trung Quốc. Sau 1 tháng công bố, phán quyết của họ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Qua vụ việc này, Hiệp hội rút ra được bài học kinh nghiệm như thế nào trong công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột?
Tiến sĩ Trịnh Đức Minh: Đây là một bài học, kinh nghiệm rất lớn. Chúng ta đăng ký rất nhiều chỉ dẫn địa lý phạm vi trong nước, tuy nhiên chưa chú ý việc đăng ký này ở các thị trường lớn ở nước ngoài.
Không chỉ sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột mà cả nhiều hàng hóa nông sản khác của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Lý do: quá trình đăng ký của nước ngoài tương đối phức tạp về mặt pháp lý. Và đặc biệt tốn kém một nguồn kinh phí khá lớn.
Về mặt Trung ương, thực sự chưa có một chương trình hỗ trợ đủ lớn, đủ mạnh để bảo hộ các địa lý chỉ dẫn nông sản của chúng ta ở nước ngoài. Nếu để cho địa phương xoay sở thì các nguồn lực ở địa phương rất hạn chế.
Chúng tôi cũng liên tục đề nghị Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Công thương phải đề xuất với Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho các địa phương bảo hộ các chỉ dẫn địa lý nông sản ra nước ngoài. Tránh tái diễn các thương hiệu của chúng ta bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm.
Được biết Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cũng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, công việc này chúng ta đã đạt được kết quả gì và gặp những khó khăn gì thưa Tiến sỹ?
Tiến sĩ Trịnh Đức Minh:Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cũng tiến hành song song những bước đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại nước ngoài với nhiều hình thức khác nhau, tùy theo luật pháp của mỗi Quốc gia. Hình thức là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, hoặc là tên gọi xuất xứ hàng hóa, hoặc là tên gọi chỉ dẫn địa lý. Tất cả những bước này đều thông qua văn phòng luật sư tại nước ngoài, cũng như phía Việt Nam. Sau hơn 1 năm, kết quả đã có 4 quốc gia đồng ý bảo hộ nhãn hiệu tập thể cà phê Buôn Ma Thuột, đó là tại Tây Ban Nha, Hà Lan, Lúc-xăm- bua và Bỉ. Các quốc gia còn lại đều tạm thời từ chối bảo hộ và yêu cầu chúng ta bổ sung các tài liệu.
Cái khó khăn lớn nhất của Hiệp hội trong thời gian vừa qua đó là kinh nghiệm cũng như những hiểu biết pháp lý trong việc đăng ký ra nước ngoài.
Khó khăn thứ 2 về cái hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành cà phê. Chưa có quỹ phát triển ngành hàng, chính vì vậy mà khi gặp những việc cần phải quảng bá, xúc tiến thương mại ngoài phạm vi quốc gia thì chúng ta luôn luôn lép vế. Đặc biệt là thiếu chuyên gia, thiếu kinh phí.
Chúng tôi mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích lâu dài về bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương và lợi ích trước hết là cho doanh nghiệp và cho những người sản xuất cà phê, cộng đồng doanh nghiệp cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho vấn đề này cụ thể để Hiệp hội đủ sức tiến hành công việc pháp lý tương đối phức tạp và kéo dài.
Xin cảm ơn Tiến sỹ!/.
Nguồn vov.vn