Thứ Năm | 07/04/2016 08:14

Hút vốn ngoại, giá nhà đất sẽ giảm?

Nhà đầu tư ngoại hợp tác với doanh nghiệp Việt theo kiểu có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.

Trong ba tháng đầu năm nay, thị trường địa ốc đã chứng kiến nhiều cái bắt tay giữa công ty trong nước với nhà đầu tư ngoại để phát triển nhiều dự án “khủng” với hàng chục ngàn căn hộ.

Vốn ngoại đổ vào nhà đất

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group đã hợp tác với hai công ty địa ốc của Việt Nam là An Gia Investment và Phát Đạt. Theo đó quỹ trên rót đến 500 triệu USD cho dự án River City với 8.000 căn hộ chung cư tại quận 7, TP.HCM.

Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Fideco, Dệt may Liên Phương và Quỹ đầu tư Pavo của Anh để xây dựng các dự án chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng ở khu trung tâm thành phố, khu dân cư ở quận 9 và huyện Cần Giờ. Sắp tới đây, quỹ đầu tư của Singapore là SynGience sẽ hợp tác cùng Công ty L&L-LuckyLand phát triển hai dự án với hơn 1.000 căn hộ...

Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư ngoại cũng bắt tay với nhà đầu tư trong nước. Thực tế cho thấy các nhà đầu tư ngoại thường đầu tư vào các công ty địa ốc Việt thông qua rót vốn trực tiếp vào dự án, mua lại cổ phần hoặc cho vay.

Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch quỹ Creed Group của Nhật Bản, nhận định: “Hiện nay Việt Nam cũng tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... những năm đầu mới hình thành và phát triển. Khi đó, nhu cầu về các loại hình nhà đất của người dân và doanh nghiệp rất lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững mạnh. Vì vậy, chúng tôi chọn các đối tác uy tín tại Việt Nam để hợp tác đầu tư quy mô lớn”.

Một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đánh giá thị trường địa ốc Việt Nam đang dần phục hồi, nhu cầu nhà ở đang tăng cao, còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khai thác. Chính vì vậy họ mạnh dạn rót vốn “khủng” vào nhà đất Việt Nam.

Lợi cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà

Phân tích về mặt lợi khi bắt tay với nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty L&L-Lucky Land, cho rằng cái lợi lớn nhất là tài chính. Cụ thể, các công ty trong nước cần bổ sung nguồn vốn bởi nếu chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng thì không thể đủ để phát triển. Thậm chí nếu phụ thuộc quá lớn vào nguồn tín dụng ngắn hạn, lãi suất cao từ ngân hàng sẽ dẫn đến triệt tiêu những nguồn lực phát triển của các công ty địa ốc.

“Vì vậy, việc hợp tác sẽ thu hút được dòng vốn ngoại, nhất là nguồn vốn này lại chủ yếu trung và dài hạn, phù hợp với nhu cầu đầu tư của công ty địa ốc” - ông Minh nói.

Ngoài ra, ông Minh cho hay công ty chủ yếu phát triển căn hộ có giá trên dưới 1 tỉ đồng, cao nhất dưới 1,2 tỉ đồng nên đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. “Đây là những sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thật của khách hàng chứ không phải để đầu tư lướt ván. Điều này có lợi cho người mua nhà”.

Còn theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc hợp tác với các nhà đầu tư ngoại giúp nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị dự án cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đồng thời làm tăng sự minh bạch, tăng tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường nhà đất vì nhà đầu tư nước ngoài thường đặt tính minh bạch lên làm đầu.

Không chỉ vậy, khi có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại, thị trường nhà đất có thêm nhiều sản phẩm mới. Điều này giúp người mua nhà có nhiều sự lựa chọn hơn, nhất là giá nhà sẽ “dễ thở” hơn. “Đặc biệt hợp tác mạnh mẽ với nhà đầu tư ngoại mang đến cho người tiêu dùng nhiều kiến trúc đa dạng như kiến trúc Nhật Bản, Mỹ, Anh, Singapore” - ông Châu nói.

Chị Liên, nhà ở quận Bình Thạnh đã đặt mua căn hộ tại một dự án hợp tác với quỹ đầu tư Nhật Bản. Chị Liên nói: “Khi tham quan nhà mẫu, tôi hài lòng với thiết kế kiểu kiến trúc Nhật Bản. Họ thiết kế căn hộ trông hiện đại, gần gũi thiên nhiên, có nhiều không gian xanh, có sân chơi cho trẻ em...”.

Phúc cùng hưởng, họa cũng chịu

Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc LuckyLand, cho hay: “Nhà đầu tư ngoại khi tham gia hợp tác đầu tư kinh doanh, họ chấp nhận lợi nhuận cao, thấp hay rủi ro dự án theo kiểu cộng sinh có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Tuy nhiên, để có thể hợp tác với họ, điều đầu tiên là công ty Việt phải minh bạch thông tin, nếu không sẽ khó có được sự rót vốn lâu dài của nhà đầu tư ngoại”.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính độc lập, cho rằng năm nay thị trường nhà đất sẽ không sôi động như năm ngoái vì chính sách siết tín dụng. Thế nên việc thu hút được vốn ngoại là điều đáng mừng nhưng các doanh nghiệp Việt cần giữ chữ tín và thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc theo cam kết để có thể làm ăn lâu dài với đối tác ngoại.

Thế của doanh nghiệp Việt đã khác

Trước đây các công ty Việt thường hợp tác với nhà đầu tư ngoại ở thế thụ động. Chẳng hạn các công ty Việt chỉ mong muốn được định giá đất chiếm 30% tổng mức đầu tư khi hợp tác với nước ngoài. Sau đó mọi hoạt động đều do phía nước ngoài quyết định. Do đó, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn “lũng đoạn”, họ chỉ cần nâng vốn điều lệ lên là công ty Việt “chết” vì không có nguồn lực bổ sung để giữ tỉ lệ vốn như ban đầu.

Nay việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi. Hiện nhiều công ty Việt Nam đã chủ động hơn, giữ cổ phần chi phối và kiểm soát được tình hình vì kinh nghiệm, năng lực quản trị đã được nâng lên so với trước.            

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I năm nay, có 600 công ty bất động sản được thành lập mới, tăng 146% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Sở KH&ĐT TP.HCM, tính đến nay lĩnh vực bất động sản vẫn đứng đầu thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn trên 14 tỉ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn PLO