Thứ Ba | 06/05/2014 17:33

Hướng tới ngân hàng ngang tầm khu vực

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng (6/5/1951 - 6/5/2014).
Thưa Thống đốc, 63 năm là một hành trình dài. Nếu có thể đưa ra những điểm nhấn nổi bật trong chặng đường xây dựng và phát triển của Ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thống đốc có thể nói gì?
Nhịp theo sự phát triển của đất nước, đối với ngành Ngân hàng, 63 năm là một chặng đường hình thành và phát triển với không ít mốc son lịch sử đáng ghi nhớ. Vai trò của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam càng được minh chứng rõ hơn qua những thời điểm đầy biến động của nền kinh tế.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997-1998, từ năm 1999 nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát cục bộ và tăng trưởng kinh tế suy giảm. Tiếp đó, từ năm 2008 đến nay, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các cân đối vĩ mô tiềm ẩn rủi ro.

Trước tình hình đó, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu nền kinh tế, trong đó chính sách tiền tệ đóng vai trò chủ đạo được thực hiện theo hướng linh hoạt thận trọng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Kết quả, Việt Nam là một trong những nước vượt qua khủng hoảng sớm nhất. Đến nay tăng trưởng kinh tế dần hồi phục, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, hệ thống tài chính, ngân hàng ổn định và phát triển.

Đặc biệt, giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế gần đây, trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ những biến cố lớn của môi trường kinh tế thế giới, với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của thị trường, ngành Ngân hàng luôn thể hiện là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Cụ thể, huy động vốn của hệ thống ngân hàng giai đoạn 2001 đến nay tăng nhanh, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng lên, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 với tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm, lạm phát được kiểm soát từ mức "ba con số" trong thời kỳ siêu lạm phát những năm 80-90 xuống còn bình quân khoảng 8,3% giai đoạn 2001-2011 và kiểm soát dưới 7% trong các năm 2012-2013 và 4 tháng đầu năm 2014, các cân đối vĩ mô lớn ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.

Khoảng 3 năm gần đây, một trong những điểm được dư luận đánh giá cao trong điều hành CSTT của NHNN là sự định hướng dẫn dắt và ứng phó nhanh với diễn biến thị trường. Thống đốc có thể phân tích sâu hơn về sự chủ động, linh hoạt này?

CSTT là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô. Nếu không chủ động đưa ra những thông điệp để định hướng thị trường, cũng như không có các giải pháp để thực hiện một cách nhất quán, kiên quyết các mục tiêu đó thì điều hành CSTT khó có thể đạt được kết quả mong muốn. Với việc chủ động đưa ra các thông điệp chính sách và kiên trì các giải pháp điều hành để thực hiện mục tiêu đề ra, điều hành CSTT của NHNN trong thời gian qua đã có hiệu quả và đem lại lòng tin cho dư luận, các nhà đầu tư.

Chẳng hạn như về lãi suất, trước đây Việt Nam đã có những thời kỳ lãi suất cho vay và huy động rất cao. Ngay thời điểm giữa năm 2011, khi lãi suất cho vay trên 20%, NHNN đã đặt mục tiêu đến hết năm 2011 phải đưa lãi suất cho vay về mức 17 - 19%, giảm lãi suất huy động về 9-10%/năm vào cuối năm 2012. Năm 2013 và năm 2014, NHNN lại đặt mục tiêu điều chỉnh giảm lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế của lạm phát để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Tỷ giá cũng được xem là thành công trong điều hành chính sách của NHNN trong thời gian qua. Với thông điệp rõ ràng ngay từ đầu, điều hành linh hoạt nhưng theo xu hướng ổn định để góp phần kiểm soát lạm phát, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đồng thời tăng được dự trữ ngoại hối. Để làm được điều đó, NHNN đã kiên quyết thực hiện các giải pháp đề ra, đồng thời điều hành nhịp nhàng trong mua - bán, can thiệp thị trường ngoại tệ. Ngay cả khi thị trường có những thông tin, những nhận định có xu hướng trái chiều hoặc bất lợi, tác động đến điều hành chính sách tỷ giá thì NHNN vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu. Thực tế cho thấy, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhiều, đến nay đã đạt mức kỷ lục là 35 tỷ USD, góp phần nâng vị thế của Việt nam trong thị trường tài chính quốc tế.

Thị trường vàng cũng từng bước được sắp xếp và đổi mới căn bản, đã loại bỏ được rủi ro liên quan đến vàng và chấm dứt tình trạng "vàng hóa" trong hoạt động của TCTD, qua đó góp phần ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, những công cụ khác như điều hành về vốn khả dụng, NHNN cũng đưa ra những chủ trương điều hành, trong đó điều tiết thông qua các nghiệp vụ thị trường tiền tệ, điều hành việc cung ứng tiền một cách phù hợp, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn tín dụng và đem lại những kết quả trong việc ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản, kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Ghi nhận những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được, song vẫn còn ý kiến cho rằng hoạt động của các TCTD vẫn còn những vấn đề phải xử lý, như nợ xấu cao, một số NHTM hoạt động chưa lành mạnh dẫn đến yếu kém, ngày càng có nhiều hơn những vụ án liên quan đến nhân sự trong ngân hàng... Quan điểm của Thống đốc về những ý kiến này?

Có thể nói, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế đã khiến hoạt động đầu tư, thương mại và sản xuất kinh doanh trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, kéo theo những rủi ro trong hoạt động tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, trong thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng mạnh trước đây, hầu hết các TCTD chạy theo mục tiêu tăng trưởng nhanh, vội nới lỏng điều kiện tín dụng trong khi còn hạn chế về năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thậm chí có nơi buông lỏng quản lý, vi phạm qui định của pháp luật dẫn đến tình trạng nhiều TCTD hoạt động yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trước những vấn đề bức thiết đặt ra, Bộ Chính trị, Chính phủ đã xác định phải khẩn trương tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó cơ cấu lại hệ thống các TCTD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cùng với cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại doanh nghiệp. Thực hiện chủ trương đó, NHNN đã tích cực xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, trình Bộ Chính trị và Chính phủ phê duyệt. Sau 2 năm triển khai quyết liệt, khẩn trương Đề án cơ cấu lại các TCTD theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, có thể nói ngành Ngân hàng Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra của Đề án.

Và ngay sau khi Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được Chính phủ phê duyệt, ngành ngân hàng đã chủ động và tích cực phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Theo báo cáo của các TCTD, nợ xấu đến ngày 31/12/2013 tương đương 3,61% tổng dư nợ tín dụng và giảm 1,62% so với cuối năm 2012. Các TCTD xử lý được 69 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2012 và năm 2013 là 97,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật, tham nhũng trong hoạt động ngân hàng, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và phối hợp để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Nhờ đó, nhiều vụ việc xảy ra trước năm 2012 đã được xử lý nghiêm minh, điển hình là các vụ án Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, các vụ việc xảy ra ở Ngân hàng Agribank, Công ty Tài chính Vinashin, Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Agribank, Công ty in và dịch vụ Ngân hàng Agribank.

Như vậy, mặc dù trong thời gian qua còn nhiều vấn đề trong hoạt động của các TCTD nhưng toàn ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng… NHNN tin tưởng sẽ sớm đạt được những mục tiêu theo đúng lộ trình mà Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD và Đề án xử lý nợ xấu đã đặt ra.

Theo Thống đốc, bức tranh của ngành Ngân hàng sẽ như thế nào sau giai đoạn tái cơ cấu? Liệu chúng ta sẽ có những ngân hàng tầm cỡ khu vực sau năm 2015?

Bức tranh toàn cảnh của ngành ngân hàng trong và sau giai đoạn tái cơ cấu đã được xác định rõ tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nếu thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Đề án này, tôi tin tưởng rằng, đến năm 2015, hệ thống các TCTD Việt Nam sẽ giảm bớt số lượng TCTD nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn Thống đốc!

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện