Ảnh: Dân trí.
Hưởng lợi từ thương chiến nhưng đâu là những thách thức của Việt Nam?
GDP Việt Nam có thể tăng thêm 2,8% nhờ chiến tranh thương mại
Khi cuộc chiến thương mại đe dọa làm chậm nền kinh tế toàn cầu, các nhà phân tích nói rằng có một số quốc gia châu Á có thể nhận được một cú hích trong đầu tư và kinh doanh từ các nhà xuất khẩu và các công ty đa quốc gia, vốn đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong số đó, Việt Nam thường là cái tiên đầu tiên nằm trong danh sách của các công ty đang gặp khó ở Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với MarketWatch, hai chuyên gia là ông Andy Ho và ông Michael Kokalari của công ty quản lý tài sản và đầu tư VinaCapital, đã chỉ ra một số điểm hấp dẫn của Việt Nam bao gồm mức lương thấp hơn, đường bờ biển dài và sự gần gũi với nguồn cung công nghệ cao chuỗi cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử.
Kokalari, nhà kinh tế trưởng của công ty, cho biết chi phí lao động thấp hơn ở Việt Nam là động lực lớn nhất của các nhà sản xuất ở nước ngoài, khi họ muốn chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, một quá trình đã diễn ra từ trước khi chính quyền Trump bắt đầu chống lại các đối tác thương mại chính của Mỹ.
Công nhân sản xuất Việt Nam trung bình kiếm được khoảng 3.800 USD vào năm ngoái, bằng khoảng 1/3 so với con số công nhân Trung Quốc kiếm được (10.500USD), theo Viện Nghiên cứu Hyundai.
Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Mexico là những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại. |
Việt Nam thu hút 19 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2018, tăng khoảng 9% so với năm 2017.
Các nhà kinh tế tại Standard Chartered ước tính tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 2,8% nếu chính quyền Trump hiện thực hóa việc áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một kịch bản cực đoan trong đó Mỹ dừng tất cả hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, thiệt hại kinh tế cho Việt Nam ở mức khoảng 0,9% GDP.
Bên cạnh các công ty đa quốc gia của Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu áp đặt lên Trung Quốc.
Những thách thức
Dù vậy vị chuyên gia của Vina Capital cũng nêu ra những thách thức. Ông Kokalari cho biết đã chứng kiến một số nhà máy sản xuất lốp xe của Trung Quốc đặt tại Việt Nam, chỉ đơn giản là thực hiện một số hoạt động gia công nhỏ để hoàn thiện cho các sản phẩm, vốn gần như đã được hoàn thành ở Trung Quốc.
“Họ chỉ cần thực hiện công đoạn đánh bóng ở Việt Nam để hoàn thành sản phẩm, tôi có một chút lo ngại”, theo ông Kokalari. Vị chuyên gia của Vina Capital lo lắng rằng thực tiễn này có thể thu hút sự chú ý của chính quyền Trump, đặc biệt là khi Việt Nam là một trong những đối tác thương mại của Mỹ có thặng dư lớn nhất.
Dựa trên mức độ đầu tư mới để mở nhà máy, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc và Nhật Bản. Tính theo năm, Trung Quốc đã cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài 1,4 tỷ USD vào Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2019, từ 400 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, dòng vốn đầu tư dồn dập đổ vào đang thách thức các giới hạn của cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến giá thuê đất công nghiệp tăng cao hơn, tình trang tắc nghẽn đường bộ và thiếu điện, điều này đặt yêu cầu rằng Việt Nam phải tăng cường xây dựng đường sá, cảng và nhà máy điện để phục vụ các ngành công nghiệp ven biển đang phát triển nhanh.
Ông Kokalari cho biết đường cao tốc và đường ở ngoại ô TP.HCM và Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt xe vào đầu giờ sáng, với nhiều xe tải, xe container nối đuôi nhau.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang có thể làm hỏng câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam vì một lý do khác. Căng thẳng thương mại bùng nổ đã khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu, và điều này đe dọa làm xói mòn sức cạnh tranh tương đối của Việt Nam, khi là nhà xuất khẩu chi phí thấp hơn so với Trung Quốc. Do đó, cổ phiếu của Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với biến động của đồng Nhân dân tệ.
Trong năm 2015, sự mất giá 5% của đồng Nhân dân tệ so với đồng bạc xanh đã gây ra một đợt bán tháo và khiến chỉ số VN-Index sụt giảm 15%.
Tuy nhiên, Kokalari cho biết lao động giá rẻ của Việt Nam đã giúp bù đắp biến động Nhân dân tệ. Ông nói: “Do mức tiền lương trung bình của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc, một vài phần trăm thay đổi trong đồng Nhân dân tệ không có nhiều ý nghĩa”.