Hùng Vương dự kiến phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên hơn 2.000 tỷ đồng
Sáng nay, CTCP Hùng Vương (mã HVG) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thông qua phương án phát hành 70.399.898 cổ phiếu nhằm tăng vốn từ 1.320 tỷ đồng lên 2.024 tỷ đồng.
Cụ thể, HVG sẽ chào bán 43.999.936 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1. Đồng thời công ty cũng dành 26.399.962 cổ phiếu để thưởng cho cùng đối tượng với tỷ lệ 5:1 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2014.
Vốn thu được từ đợt chào bán sẽ được bổ sung vào vốn lưu động nhằm nâng cao năng lực tài chính và sản xuất kinh doanh. Số cổ phần này đều sẽ được niêm yết bổ sung.
"Thức ăn và cá tra đã bỏ xa đơn vị cùng ngành"
Về kết quả kinh doanh năm 2014, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HVG cho biết dù kết quả kinh doanh 9 tháng cách khá xa so với chỉ tiêu 700 tỷ đồng lợi nhuận nhưng công ty sẽ hoàn thành đúng kế hoạch bởi quý 4 sau khi nâng sở hữu VTF thì sẽ hạch toán 80% lợi nhuận từ VTF (quý 3 chỉ hạch toán 65%). Đồng thời tháng 11 HVG tăng sở hữu FMC lên thì cũng nhận về một khoản lợi nhuận tương ứng từ doanh nghiệp này.
Về kế hoạch 2015, Chủ tịch Dương Ngọc Minh cho biết, trong năm 2015 công ty sẽ tăng sở hữu VTF lên trên 90%, AGF lên 85%, Hùng Vương miền Tây từ 48% lên 80% và FMC lên trên 51% để hợp nhất. Ông tự tin khẳng định, mục tiêu doanh số 20,000 tỷ đồng và lợi nhuận 1,000 tỷ đồng năm 2015 là nằm trong khả năng và dựa trên 2 lĩnh vực HVG "không cần quan tâm" là thức ăn và cá tra. Vì hoạt động của 2 lĩnh vực này đã bỏ xa các đơn vị cùng ngành.
Ông phân tích, về lĩnh vực thức ăn, tổng sản xuất và bán ra của VTF chiếm trên 40% thị phần trong tổng số gần 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn. VTF có ưu thế về chất lượng và giá cả cung ứng ra thị trường với công nghệ sản xuất hiện đại từ châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, VTF cũng có kho hàng lớn có thể dự trữ được hơn 120,000 tấn nguyên liệu, mà doanh nghiệp nào có khả năng trữ hàng thì sẽ làm chủ được thị trường. Mục tiêu năm 2015 VTF sản xuất 800-900.000 tấn/năm (hiện ở mức 700.000 tấn). Công ty cũng đang nhập thêm thiết bị, mở rộng kho hàng để chủ động nguyên liệu.
Còn sản xuất cá tra, AGF có chu trình khép kín từ nuôi trồng - chế biến đến xuất khẩu. Trong đó, thức ăn cho cá ổn định, giá chênh lệch thấp hơn so với thị trường từ 10-15%.
Ngoài ra, HVG cũng đang nghiên cứu phát triển sản phẩm thức ăn cho heo tại miền Tây và làm cá ngừ tại miền Trung.
"2016 sẽ là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm"
Đồng thời, năm 2015 HVG sẽ thử nghiện lâm sàng vấn đề nuôi tôm và đặt mục tiêu năm 2016 sẽ là doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm. Bởi HVG có đủ cơ hội về nuôi tôm với 18 nhà máy chế biến công suất cấp đông gấp 6 lần doanh nghiệp cùng ngành, lao động cao gấp 3 lần. FMC cũng sẽ đầu tư thêm 1 xưởng chế biến nhằm nâng công suất chế biến thêm 30%. Mục tiêu 2015 xuất khẩu tôm đạt 160-180 triệu USD. "Và nếu có cơ hội giá thấp, FMC có thể chế biến trên 1.000 tấn tôm/ngày, hơn cả MPC"- ông khẳng định.
Theo ông, hiện giá tôm trong vụ ở mức 73.000 đồng/100 con, cuối vụ là 130.000 đồng/100 con. Vì thế doanh nghiệp nào có vốn, nhà máy dự trữ trong vụ thì sẽ làm chủ thị trường xuất khẩu, trong khi đó HVG đều có 2 điều này.
Về thị trường nhiều tiềm năng Nga, với việc đầu tư mở liên doanh 30 triệu USD (HVG góp 18 triệu USD, còn đối tác Nga 12 triệu USD) HVG sẽ khai thác cả nhập và xuất. Trước mắt, trong tháng 11 này nếu thủ tục xong thì phía Nga sẽ xuất cho HVG 20.000 tấn cá song, "lợi hơn là HVG xuất cho Nga 40.000 tấn cá cho Nga" - ông Minh chia sẻ. Mức giá mua vào loại cá này là 1,.3USD/kg nhưng giá trong nước từ 80-100.000 đồng/kg.
Nguồn Vietstock