HSC: Nhà máy Dinh Cố nhận khí từ Nam Côn Sơn, lợi nhuận năm 2015 của GAS tăng
Theo đó, nhà máy GPP Dinh Cố có thể nhận khí tự nhiên trực tiếp từ đường ống Nam Côn Sơn để sản xuất khí khô, khí ngưng tụ và khí hóa lỏng (LPG).
Việc vận chuyển khí có khả năng sẽ bắt đầu vào quý I/2015, với lưu lượng khí vận chuyển ban đầu ước tính là 1 triệu m3 mỗi ngày. Lưu lượng vận chuyển qua hệ thống sau khi bước vào giai đoạn vận hành chính thức ước tính tối đa có thể đạt 3 triệu m3 khí/ngày đêm.
Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) nhận định điều này sẽ giúp tăng lợi nhuận cho GAS vì thông thường giá LPG cao hơn 40% so với giá khí khô tính trên mỗi BTU.
HSC ước tính với lưu lượng khí là 3 triệu m3/ngày đêm, nhà máy GPP Dinh Cố có thể sản xuất khoảng 1 tỷ m3 khí khô, 50.000 tấn ngưng tụ và khoảng 100.000 tấn khí hóa lỏng. Với giá bán khí khô, hóa lỏng và ngưng tụ hiện tại, ước tính lợi nhuận của GAS sẽ tăng thêm 150 tỷ đồng, so với lợi nhuận chỉ từ bán khí bán xử lý trực tiếp từ hệ thống ống khí Nam Côn Sơn.
Nhà máy GPP Dinh Cố được xây dựng vào năm 1997 để nhận khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ và khí tự nhiên từ các mỏ khác trong bể Cửu Long. Nhà máy nhận khoảng 5,7 triệu m3 khí mỗi ngày và sản xuất khoảng 1,5 tỷ m3 khí khô, 130.000 tấn khí ngưng tự và 350.000 tấn LPG.
Vì khí đồng hành đang giảm thấp do trữ lượng dầu tại mỏ Bạch Hổ giảm, nên nhà máy GPP Dinh Cố hiện đang hoạt động dưới công suất tối ưu với sản lượng khoảng 1 tỷ m3 khí, 60.000 tấn khí ngưng tụ và khoảng 280.000 tấn LPG.
Trong khi đó, khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn hiện không có nhà máy xử lý khí. Trạm xử lý khí Dinh Cố (Hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn) hiện chỉ có chức năng tách chất lỏng từ khí thiên nhiên để sản xuất khí khô và khí ngưng tụ (condensate).
Như vậy, một lượng lớn khí hóa lỏng LPG giá trị cao hiện đang được bán với giá khí thiên nhiên do không có nhà máy xử lý khí thích hợp.
Hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn bao gồm 370km đường ống dẫn khí từ các bể khí thuộc bể Nam Côn Sơn ngoài khơi về Trạm Dinh Cố trên đất liền.
Từ Trạm Dinh Cố, khí thiên nhiên từ bể Nam Côn Sơn được xử lý đơn giản để tách nước và khí ngưng tụ. Khí khô (sau khi tách nước và khí ngưng tụ) được chuyển về Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ và sau đó bán cho người sử dụng cuối cùng thông qua hệ thống đường ống phân phối trên đất liền.
Hệ thống ống khí Nam Côn Sơn (phần ngoài khơi) do GAS điều hành với 51% cổ phần và các cổ đông còn lại bao gồm Rosneft (32,7%) và Perenco (16,3%). Trong khi đó, hệ thống ống phân phối trên bờ thuộc sở hữu 100% của GAS.
Nguồn Theo DVO