Thứ Bảy | 20/07/2013 10:07

HSC: Mỏ Núi Pháo sẽ bắt đầu có thu nhập từ quý IV

HSC cho biết, theo kế hoạch của Masan, kể từ năm 2014 dự kiến Mỏ Núi Pháo sẽ tạo ra EBITDA là 175 triệu USD.
Theo bản tin ngày 19/7 của công ty chứng khoán TPHCM (HSC), nhóm phân tích của HSC đã gặp gỡ Ban giám đốc Tập đoàn Masan (MSN) và thảo luận thêm về triển vọng nửa cuối năm 2013 và trong năm 2014.

Núi Pháo có thể tạo ra doanh thu đáng kể

Theo Ban giám đốc Masan, mỏ Núi Pháo đã sản xuất thành công tinh quặng vonfram và đồng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các thủ tục giấy tờ liên quan để thỏa thuận bao tiêu dài hạn đang được hoàn thành và MSN sẽ công bố trong khoảng 1 tuần tới. Đối tác bao tiêu là một công ty chế biến Vonfram hàng đầu thế giới.

Theo một trong các điều khoản hợp đồng, đối tác sẽ cung cấp công nghệ để chế biến sâu vonfram (hay nói cách khác sản xuất sản phẩm cuối cùng APT) thông qua một thỏa thuận liên doanh.

Công đoạn sản xuất cuối cùng này sẽ được thực hiện thông qua một cơ chế liên doanh theo đó tinh quặng vonfram được sử dụng làm nguyên liệu, tạo ra APT và sau đó phần lớn sản lượng sẽ được trực tiếp cho đối tác bao tiêu. Điều này có nghĩa là nhà máy APT chắc chắn sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm.

Theo HSC, mỏ Núi Pháo sẽ bắt đầu có thu nhập từ quý IV năm nay và kể từ năm 2014 dự kiến sẽ tạo ra EBITDA là 175 triệu USD. Cơ sở vật chất hiện nay cho phép Núi Pháo sản xuất sodium tungstate, một sản phẩm giá trị gia tăng trung gian của vonfram và họ sẽ bán cho các đối tác bao tiêu từ quý IV cùng với fuorspar, bismuth và đồng. Do đó HSC dự kiến vào quý IV Núi Pháo có thể tạo ra doanh thu đáng kể.
Masan có thể tham gia vào bán lẻ và chăm sóc sức khỏe

Bản tin của HSC cũng cho biết thêm rằng, với quyết định tái cấu trúc Masan Consumer, Masan sẽ thành lập Masan Consumer Holding sở hữu Masan Consumer (công ty hiện nay) và Masan Consumer Ventures. Masan Consumer Venture là một công ty mới sẽ tham gia vào các lĩnh vực có khả năng tạo ra lợi nhuận mới cho Masan.

Điều này được HSC đánh giá là phù hợp với trọng tâm của Masan nhằm thâm nhập rộng hơn và sâu hơn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng. Gần đây Masan quan tâm đến chuỗi giá trị từ nông trại tới bàn ăn trong ngành thịt và có lẽ mở rộng hơn vào ngành bia (một sản phẩm bia mang tên thương hiệu của Masan sẽ được tung ra trong quý IV).

Masan Consumer Ventures cũng sẽ cho phép Masan tham gia vào các hạng mục mới như bán lẻ và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, Masan Consumer sẽ tiếp tục tập trung vào thực phẩm và đồ uống không cồn với các mảng sản phẩm hiện tại là nước sốt, mì, cà phê và các loại nước giải khát không cồn.

Dự kiến nâng sở hữu tại Masan Resources lên 77,7%

Ngoài ra, theo HSC, ban lãnh đạo MSN cũng chia sẻ về kế hoạch tinh giản cơ cấu doanh nghiệp và cơ cấu vốn đồng thời nâng cao hoạt động quản trị doanh nghiệp. Công ty dự định mua lại và/hoặc chuyển đổi một phần đáng kể các công cụ gắn với vốn cổ phần/công cụ chuyển đổi trong vài tháng tới.

Theo đó sẽ giảm số lượng cổ phiếu nếu thực hiện toàn bộ quyền là 786 triệu cổ phiếu (theo ước tính của HSC) xuống còn xấp xỉ 720-730 triệu cổ phiếu. Và chi phí vốn cũng sẽ giảm đáng kể, giảm 50 triệu USD với các hợp đồng vay được tái tục.

MSN còn dự kiến xử lý số kỳ phiếu trị giá 136 triệu USD phát hành cho Dragon Capital và các quyền và nghĩa vụ ngoại bảng (bao gồm các quyền chọn mua/bán). Chẳng hạn, MSN sẽ thực hiện quyền chọn mua đối với cổ phần tại Masan Resources do Dragon Capital nắm giữ để nâng tỷ lệ nắm giữ tại đây thêm 15% lên 77,7%; theo đó tăng thêm sự tin tưởng của MSN vào Masan Resources và dự án mỏ Núi Pháo.

HSC giữ dự báo cho doanh thu năm 2013 của Masan là 14.379 tỷ đồng, tăng 38,4% và lợi nhuận thuần là 1.472 tỷ đồng, tăng 16,8%. Dự báo doanh thu thuần 2014 là 23.315 tỷ đồng, tăng 62,1% và lợi nhuận thuần là 3.723 tỷ đồng, tăng 152,9%.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện