HSC: Dự trữ ngoại hối không thay đổi sau khi áp dụng quy định mới
Một số ý kiến cho rằng, có khả năng cánh tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ có sự thay đổi sau khi Nghị định 50 về quản lý ngoại hối được ban hành.
Báo cáo nhận định thị trường ngày 22/7 của chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, nhận định này không chính xác.
Sự khác biệt giữa Nghị định 86 và Nghị định 50 nằm ở định nghĩa về dự trữ ngoại hối gộp.
Nghị định 86 định nghĩa dự trữ ngoại hối gộp bao gồm toàn bộ ngoại tệ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng; giấy tờ có giá bằng ngoại tệ; chứng khoán ngắn và dài hạn do chính phủ nước ngoài phát hành; các loại ngoại hối khác.
Trong khi đó Nghị định 50 bao gồm thêm cả tiền gửi ngoại tệ và vàng của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào dự trữ ngoại hối gộp.
Dựa trên một số nguồn tin chính thức, báo cáo của HSC cho biết, nghị định mới sẽ không làm thay đổi cách tính dự trữ ngoại hối gộp so với hiện nay vì NHNN đã áp dụng định nghĩa mới được một khoảng thời gian. Nói cách khác Nghị định 50 chỉ đơn giản là văn bản hóa thực tiễn.
HSC lưu ý rằng, đây là phương pháp tính theo tiêu chuẩn quốc tế được IMF và hầu hết các quốc gia sử dụng. Đồng thời, tiền gửi ngoại tệ và vàng của các NHTM tại NHNN là nhỏ và sẽ không làm thay đổi nhiều số liệu dự trữ ngoại hối.
Tiền gửi ngoại tệ của các NHTM tại NHNN bao gồm dự trữ ngoại tệ bắt buộc và dự trữ ngoại tệ không bắt buộc.
Theo Quyết định 1925/QĐ-NHNN, dự trữ bắt buộc bình quân trong tiền gửi ngoại tệ của các NHTM tại NHNN vào khoảng 7,5%. Nhóm phân tích vĩ mô của HSC ước tính dự trữ ngoại tệ không bắt buộc trong tiền gửi ngoại tệ của các NHTM tại NHNN vào khoảng 0,5%.
Do đó, ước tính bình quân tiền gửi ngoại tệ của các NHTM tại NHNN chiếm khoảng 8% tổng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, tương đương xấp xỉ khoảng 1,9-2 tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 6/2014.
Trong khi đó, vàng của các NHTM gửi tại NHNN cũng bao gồm dự trữ bắt buộc và dự trữ không bắt buộc. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2014, khi NHNN ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN chấm dứt việc huy động và cho vay vàng của các tổ chức tín dụng, nên vàng huy động của tất cả các NHTM (kể cả ngân hàng nước ngoài) đã giảm xuống gần như bằng không.
Do đó việc bao gồm vàng của các NHTM gửi tại NHNN vào định nghĩa dự trữ ngoại hối gộp chỉ có ý nghĩa là để thống nhất định nghĩa của Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế.
Tại thời điểm cuối tháng 4/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, dự trữ ngoại hối thời điểm đó đạt kỷ lục 35 tỷ USD.
HSC nhận định, dù vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, thì dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể so với hai năm trước đây. Dự báo, kịch bản khả dĩ nhất là dự trữ ngoại hối sẽ tăng thêm 1-2 tỷ USD vào cuối năm trong giai đoạn cao điểm nhu cầu về USD.
Tuy nhiên do dư nợ cho vay bằng USD đang tăng lên và hệ số cho vay trên huy động (LDR) ngoại tệ hiện ở mức cao, nên kịch bản này có một số rủi ro nhỏ. Dù vậy, công tác quản lý dự trữ ngoại hối và quản lý tỷ giá của NHNN từ năm 2011 là khá chuẩn mực. Và ưu tiên giờ đây là khôi phục niềm tin vào tiền đồng và góp phần kiểm soát lạm phát.
Nguồn Theo DVO