Thứ Tư | 14/11/2012 15:40

HSBC: Xuất khẩu Việt Nam dự báo tăng trưởng 10% mỗi năm

Nhu cầu về quần áo và giầy dép ít bị ảnh hưởng từ sự biến động kinh tế toàn cầu so với các hàng hóa khác.
Theo báo cáo triển vọng kết nối giao thương Việt Nam mới được HSBC công bố, trái ngược với hầu hết các nước láng giềng ở khu vực mới nổi của Châu Á, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai con số trong 9 tháng đầu năm nay, đi qua giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu một cách khá tích cực.

Trong năm, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Từ khi ký kết Hiệp ước Thương mại song phương Việt - Mỹ và sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2007, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp mặt hàng quần áo và giầy dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ sau Trung Quốc.

Những năm trở lại đây, điện thoại di động và các phụ kiện liên quan dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau quần áo), chiếm hơn 10% sản lượng xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng đến năm 2013, mặt hàng này sẽ vượt qua sản phẩm may mặc trở thành nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Nhu cầu về quần áo và giầy dép ít bị ảnh hưởng từ sự biến động kinh tế toàn cầu so với các hàng hóa khác và điều này, kết hợp với tốc độ tăng trưởng nhanh trong việc xây dựng thị phần trong ngành viễn thông của Việt Nam, giúp Việt Nam tránh khỏi ảnh hưởng từ sự sụt giảm về nhu cầu hàng hóa trên toàn thế giới trong thời gian gần đây, HSBC nhận định.

Nguồn: HSBC
Nguồn: HSBC

Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ớ mức hơn 10% mỗi năm cho đến cuối năm 2030 với xuất khẩu sang các nước mới nổi còn lại của Châu Á, khu vực Trung Đông và Châu Phi tăng trưởng 2 con số cho.

Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn sẽ là những thị trường xuất khẩu chính.

Kế hoạch mở rộng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, tiến tới xóa bỏ rào cản thuế quan ở tất cả các mặt hàng vào năm 2015 sẽ là một nhân tố hỗ trợ nữa cho mậu dịch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực về trung hạn.

Tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu (trừ Nga) và Australia, New Zealand và Châu đại dương được kỳ vọng sẽ đạt trung bình 9%/năm từ năm 2020 đến năm 2030. Khả năng thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như điện tử, máy vi tính và điện thoại là một lợi thế của Việt Nam

Cùng với việc xuất khẩu tăng mạnh, Việt Nam cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu với quy mô lớn, cả về nhập khẩu vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và nhập khẩu hàng tiêu dùng để đáp ứng cho thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh.

Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh sẽ trở thành đối tác nhập khẩu có mức tăng trường cao nhất của Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Nguồn Khampha


Sự kiện