Thứ Sáu | 03/08/2012 10:23

"HSBC vẫn coi Việt Nam là 1 trong 20 thị trường trọng điểm đầu tư"

Theo đại diện HSBC Việt Nam, trong 85 thị trường HSBC đầu tư, tổ chức này vẫn chọn Việt Nam là 1 trong 20 thị trường trọng điểm đầu tư.
Tại hội nghị CEO Summit tổ chức ngày 2/8, ông Phạm Hồng Hải - Phó Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam dự báo vẫn còn khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2012 và khả năng trong cả 2013. Dự báo 2012, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,1%, so với mục tiêu 6-6,5% Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, đây là xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu hiện nay khi mà nợ công châu Âu và suy thoái tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Bên cạnh đó, cũng có điểm sáng là Chính phủ đã có bước đầu thành công trong việc kiềm chế lạm phát (lạm phát 7 tháng đầu năm đạt 5,35%, sau khi lên tới 18,58% năm 2011).

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Hải đánh giá tuy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua có giảm (tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 7 tháng ước đạt 8,03 tỷ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ) nhưng chất lượng vốn FDI lại tăng.

Ông lấy dẫn chứng, năm 2008, vốn FDI đăng ký lên tới mức kỷ lục khoảng 60 tỷ USD nhưng hơn 40% lại đổ vào bất động sản, không tạo giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà còn làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại. 7 tháng đầu năm 2012, dòng vốn FDI vào bất động sản chỉ còn chiếm 20%, còn gần 70% đổ vào công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này khiến cơ cấu vốn FDI cải thiện hơn.


Ngoài ra, hiện nay hầu hết những doanh nghiệp nhằm vào mục tiêu đầu tư trung và dài hạn chọn Việt Nam là cơ sở sản xuất chính như Samsung, Nokia... Một số nhà đầu tư từ Trung Quốc, Thái lan cũng bắt đầu chuyển dần sang hoạt động tại Việt Nam, giúp Việt Nam có thể cải thiện được công nghệ, ông Hải cho hay.

'Trong 85 thị trường đang hoạt động trên toàn thế giới, HSBC vẫn coi Việt Nam là 1 trong 20 thị trường trọng điểm đầu tư", ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số vấn đề thách thức với kinh tế Việt Nam như tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn. Năm 2011, 2012, mức tăng trưởng của các ngành trong nền kinh tế đều suy giảm. Các doanh nghiệp cho biết, 5 tháng đầu năm 2012, doanh nghiệp thấy hầu như không thể tăng trưởng; đến tháng 6 và tháng 7 thì thấy tăng trưởng bắt đầu suy giảm.

Các ngân hàng hiện cẩn trọng trong việc cho vay do nợ xấu tăng, dẫn đến doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn, chi phí vay vốn cũng tương đối cao.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo ngân hàng này đánh giá cao khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ trong việc đưa ra các quyết sách, trong đó có việc kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế.

Với các doanh nghiệp, ông Hải khuyến nghị nên nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, minh bạch các báo cáo, hạn chế đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực ngoài ngành...

Nguồn Khampha


Sự kiện