HSBC: Sản xuất sẽ là điểm sáng chính yếu với kinh tế Việt Nam
Ngay cả khi môi trường tăng trưởng toàn cầu phát triển chậm chạp, nhu cầu nước ngoài đối với các loại hàng hoá Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng tăng 16,9%. Chỉ số PMI của HSBC cũng tăng mạnh từ mức 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng 4.
Mặc dù Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế thị trường, nhưng đa phần các doanh nghiệp vẫn còn chịu sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có sự phân biệt giữa quyền phân phối hàng hoá nhập khẩu tại Việt Nam tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp phân phối có vốn sở hữu Nhà nước. Các doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước vẫn chiếm ưu thế ở một số lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Kế hoạch phát triển đất nước từ năm 2011 đến năm 2015 kêu gọi cổ phần hoá khoảng gần một nửa trên tổng số 1.309 doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước, nhưng với các ngành công nghiệp “nhạy cảm” như năng lượng, ngân hàng, truyền thông và hàng không vẫn còn đang được xem là các lĩnh vực chiến lược của Nhà nước.
HSBC cho rằng vẫn còn nhiều lý do để giúp lạc quan về triển vọng phát triển trung hạn của Việt Nam. Tính hiệu quả trong một số lĩnh vực cần được cải thiện ví dụ như giá cả đang dần được tự do hoá để khuyến khích sản xuất và giảm thiểu những tổn thất ở một vài lĩnh vực như điện lực. Các dự án đầu tư công cộng phù phiếm sẽ được thay thế bằng những dự án có mục tiêu rõ ràng hơn.
Trong ngắn hạn, HSBC kỳ vọng lĩnh vực sản xuất sẽ phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nước ngoài được cải thiện và hoạt động đầu tư ngày càng tăng. Nhu cầu nội địa cũng sẽ phục hồi khi tăng trưởng tín dụng tăng. Tuy vậy, trong khi triển vọng về mặt trung hạn đang dần tươi sáng hơn thì tốc độ phục hồi chậm chạp sẽ níu chân tăng trưởng trong năm 2014 và 2015. Cả tăng trưởng và lạm phát đều dưới mức 6% trong năm 2014.
Sản lượng, đơn đặt hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm đều tăng. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trong hai tháng qua phản ánh nhu cầu từ Mỹ và các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu đang tăng lên. Sản lượng tăng mạnh trong quý I và sang cả quý II.2014 khi các giải pháp nhằm giảm hàng tồn kho trong những tháng đầu năm đã làm giảm đáng kể lượng hàng tồn kho. Với đơn đặt hàng mới tăng cao, các nhà sản xuất đã phải tăng hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Ngay cả khi tồn kho thành phẩm tăng trong tháng 4 để đáp ứng nhu cầu tốt hơn, hàng tồn kho vẫn còn tương đối thấp.
Điều này có nghĩa rằng sản lượng có thể tăng trong những tháng sắp tới như những chỉ số dự kiến của HSBC, đơn hàng mới trừ hàng tồn kho vẫn còn thể hiện một khoảng cách tương đối lớn trong biểu đồ 1.
HSBC kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam sẽ được lợi nhờ vào sản lượng sản xuất tăng cao. Cán cân thương mại cũng sẽ thể hiện tín hiệu lạc quan hơn một chút nhờ vào chi phí nhập khẩu xăng dầu giảm thêm (nguyên nhân đều do tình hình giá cả nhập khẩu và sản xuất nội địa tăng cao), đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất và nhu cầu nội địa còn yếu đối với hàng hoá nhập khẩu nước ngoài.
Ngay cả khi hoạt động trong nước phục hồi nhờ vào các biện pháp như giảm lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường mở OMO để kích thích tăng trưởng cho vay, lạm phát toàn phần cũng chỉ tăng rất nhẹ từ nay đến hết năm. Ngay cả với giả định chi phí dịch vụ xã hội và giá điện lực sẽ tăng thêm trong tháng 8 và tháng 9, HSBC vẫn cho rằng lạm phát năm nay cũng sẽ dừng lại ở mức 5,6% so với năm ngoái. Giá thực phẩm cũng sẽ chỉ tăng nhẹ khi giá gạo ước đoán sẽ thấp.
HSBC không kỳ vọng vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết ngay. Theo HSBC, tăng trưởng tín dụng mặc dù có tăng nhưng sẽ thấp khi nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.
HSBC cho rằng lĩnh vực sản xuất sẽ là điểm sáng chính yếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng như Hiệp định Thương mại Tự do EU vẫn còn đang trong quá trình thương thảo. Các mức thuế suất đối với một số mặt hàng trọng yếu của Việt Nam như may mặc và dệt sẽ giảm ở một số thị trường quan trọng như Mỹ và Khối Liên minh châu Âu nếu như các cuộc đàm phán này diễn ra thành công. Nhưng các cuộc thảo luận về các vấn đề phi thuế quan, bao gồm cải tạo cơ sở hạ tầng, giảm thiểu các biện pháp hành chính phức tạp, tổ chức lại chuỗi cung ứng cho các ngành như gạo, dệt may và tăng sản lượng sản xuất năng lượng bằng cách tự do hóa giá cả là những hứa hẹn đáng giá nhất cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Giải quyết những vấn đề này sẽ giúp Việt Nam thay đổi năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong tương lai. Điều này sẽ đến chỉ khi Việt Nam có thể thay thế các mặt hàng xuất khẩu thô, chất lượng thấp và những mặt hàng sản xuất có giá trị gia tăng thấp bằng những sản phẩm chế biến và có chất lượng cao, HSBC khẳng định.
Nguồn Theo DVO/HSBC