HSBC: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6 tháng cuối năm, lãi suất OMO duy trì ở 5%
Đầu tháng 6, HSBC đã dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay là 5,6%.
Vẫn cho rằng sản xuất và xuất khẩu đang là "ngôi sao sáng" thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm 2014, song HSBC nhận định tốc độ tăng trưởng sẽ dưới mục tiêu do niềm tin yếu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn cắt giảm chi tiêu và đầu tư, trừ khi họ thấy được dấu hiệu cải cách rõ nét hơn.
"Việt Nam vẫn cần một thị trường vốn lưu động để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam tăng chậm và sẽ chỉ đạt gấp đôi hiện nay, lên mức 4.000 đôla Mỹ vào năm 2020", nhóm tác giả dự báo.
Lạm phát dự kiến tăng nhẹ trong quý III, từ mức 5% so với cùng kỳ của tháng 6 do giá năng lượng và các dịch vụ xã hội có thể tăng lên. Tuy nhiên, sang quý IV, tình hình có thể dịu bớt và lạm phát có thể duy trì ở 5,5% trong cả năm. Lãi suất trên thị trường mở (OMO) vì vậy sẽ ổn định ở 5% trong phần còn lại của năm.
Tăng trưởng chậm trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể hồi phục tốt trong trung hạn nếu cải cách triệt để khu vực công, doanh nghiệp Nhà nước và ngành ngân hàng.
"Hiện nay, cải cách đang được tiến hành theo kiểu hai bước tiến và một bước lùi, thể hiện quyết định chưa rõ ràng của Chính phủ đối với vai trò của khối nhà nước trong một nền kinh tế toàn cầu hóa ngày càng cao", HSBC nhận xét. Do vậy, đây vẫn là những mắt xích còn thiếu để Việt Nam quay trở lại thời kỳ tăng trưởng 7%.
Số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ 12.000 năm 1996 xuống dưới 1.000 đơn vị hiện nay, tỷ trọng đóng góp của khu vực trong GDP cũng thu hẹp từ 40% xuống còn 32,2% trong năm 2013, song HSBC nhận định con đường cổ phần hoá còn lòng vòng. Theo tổ chức này, phần đóng góp của khu vực Nhà nước trong GDP giảm chủ yếu do hoạt động không hiệu quả dẫn tới tăng trưởng trì trệ, chủ yếu các công ty hàng đầu của Việt Nam vẫn là công ty Nhà nước. Khu vực này sử dụng gần 38% tổng vốn đầu tư cả nước, trong khi sản lượng sản xuất đạt gần 33% trên tổng sản lượng nền kinh tế.
Cải cách ngân hàng được cho là vẫn trì trệ. Theo nhóm nghiên cứu, nợ xấu gia tăng là một trong những nguyên nhân chính hệ thống ngân hàng không thực hiện được vai trò của một nhà cho vay chính trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đang gia tăng khả năng giám sát của mình thông qua Quyết định 254 năm 2011 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Họ cũng ban hành Nghị định 53 để thiết lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua nợ xấu từ các ngân hàng.
"Trong khi Ngân hàng Nhà nước thành công trong việc xác định các ngân hàng yếu và mạnh, thúc đẩy sự sát nhập các ngân hàng yếu, mua nợ từ các ngân hàng, ổn định tiền đồng, và gia tăng dự trữ ngoại hối, thì họ lại chưa đủ độc lập để tiến hành cải cách nhằm giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính", báo cáo nhấn mạnh.
Các tác giả dẫn lại câu chuyện lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ. Thông tư này từng được kỳ vọng giúp nhìn rõ hơn thực trạng nợ của các ngân hàng, nhưng cũng có thể làm bộc lộ tỷ lệ nợ xấu cao hơn những gì đã và đang công bố. Tuy nhiên, thông tư đã bị trì hoãn từ năm 2013 sang năm nay nhằm giảm áp lực cho các ngân hàng, với lý do để họ có thêm thời gian hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. gia hạn việc phân loại nợ theo chuẩn gắt gao hơn.
"Nhìn về tổng thể, cải cách lĩnh vực ngân hàng còn trì trệ với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Ngân hàng Nhà nước đã tập trung nhiều hơn vào việc duy trì giá cả, tỷ giá và hệ thống tài chính ổn định hơn là vào việc đạt các chỉ tiêu tăng trưởng do chính phủ giao. Nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng một cách tiếp cận từ từ, thì vẫn còn chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết vấn đề nợ xấu", báo cáo của HSBC chỉ rõ.
Điều lo ngại thứ hai là các khoản đầu tư nội địa lãng phí. Rất nhiều tiền được đổ vào các công trình cơ sở hạ tầng công cộng nhưng chưa mang lại lợi ích thiết thực, điển hình là việc đầu tư vào cảng biển nước sâu trong khi kết nối đường bộ hỗ trợ cho xuất khẩu dệt may, tôm, cà phê lại chưa có.
Tuy nhiên, ngân hàng ngoại này vẫn cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện quản trị, nâng cao năng lực thể chế và xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại và đầu tư. "Các cải cách sẽ diễn ra một cách từ từ trong 2 năm tới. Điều lạc quan nhất là Chính phủ đang xây dựng một khung làm việc để tự do hóa nền kinh tế, nếu không nói là một thử nghiệm", các chuyên gia của HSBC cho hay.
Nguồn VnExpress