Thứ Năm | 03/05/2012 15:52

HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 xuống 5,1%

HSBC cũng kỳ vọng thâm hụt thương mại Việt Nam giảm từ 9,8 tỷ USD năm 2011 xuống còn 4,6 tỷ USD trong 2012 do cầu nhập khẩu giảm.
HSBC vừa có báo cáo cập nhật triển vọng thị trường Việt Nam phản ánh mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế thấp hơn mong đợi với sự suy giảm của tổng cầu, dựa trên kết quả kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm.

Theo báo cáo, trong gần mười năm trở lại đây, cũng giống các nền kinh tế tương tự trong khu vực, tăng trưởng ở Việt Nam được dẫn dắt bằng tín dụng. Sự tăng trưởng đó đã giúp nền kinh tế tăng trưởng trung bình 7%/năm trong vòng một thập kỷ qua.

Tăng trưởng, đặc biệt là dưới sự dẫn dắt của tín dụng, thường đi kèm với một vấn đề nhức nhối khác: áp lực lạm phát nóng lên. Theo nhóm nghiên cứu của HSBC, để tránh được cặp đôi tăng trưởng nhanh và lạm phát leo thang, cải tổ cơ cấu là cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, từ đó nâng cao năng suất lao động.

Đối với Việt Nam, điều này đặc biệt quan trọng khi dân số và thu nhập tăng làm cho tổng cầu tăng theo. Nếu không cải tổ theo con đường ấy, Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy nguy hiểm: phải mở rộng tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp kém hiệu quả trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày một nóng bỏng.

Năm ngoái, để ứng phó với mức lạm phát cao, Chính phủ đã thực thi các biện pháp thắt chặt tiền tệ để giảm cầu. Tăng trưởng tín dụng giảm từ 27,7% năm 2010 xuống còn 10,9% năm 2011. Trong khi Ngân hàng Nhà nước đảo ngược quá trình thắt chặt vào cuối năm 2011 và sau đó hạ các lãi suất chính sách vào đầu năm 2012, tổng lượng vốn vay đã hạ 1,9% từ đầu năm tới hết tháng 3, cho thấy nhu cầu trong nước thấp hơn nhiều so với mong đợi.

Sự suy giảm của tổng cầu mang lại hai hiệu ứng tích cực: lạm phát giảm đi đáng kể; cầu nhập khẩu giảm đáng kể, do đó cán cân thương mại và sự ổn định của VND sẽ được cải thiện. Ngay cả xuất khẩu, vốn dĩ rất sôi động, cũng sẽ giảm đi do VND trở nên kém cạnh tranh cũng như cầu ngoài nước đang giảm sút.

Trong báo cáo đưa ra hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4, HSBC dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 là 5,7%; nhập siêu là 9,6% và lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm 1% mỗi quý.


Nhìn tổng thể, xuất khẩu ròng sẽ tăng do nhập khẩu giảm, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ rất thấp trong năm 2012. Vì thế, HSBC điều chỉnh dự đoán về tăng trưởng của Việt Nam năm 2012 từ 5,7% xuống 5,1%.

Trong khi Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc tiết giảm nhu cầu để kiềm chế áp lực lạm phát, việc đó cũng đồng thời hãm đà tăng trưởng nhiều hơn mong đợi. Trong quý đầu năm 2012, tăng trưởng đã giảm xuống mức 4,1%, thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Nếu so sánh với quý trước, GDP đã suy giảm mạnh nhất trong vòng một thập kỷ.

Tăng trưởng chậm của nền kinh tế phản ánh tình trạng tín dụng bị thắt chặt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nghiệp và ngành sản xuất gặp khó khăn nếu nhìn dư nợ cho vay đã suy giảm thực tế trong năm 2011 và thu hẹp lại trong quý I/2012. Đặc biệt, bất động sản và xây dựng là hai lĩnh vực suy giảm nhiều nhất, vì lãi suất cho vay cao đã làm sụt giảm nhu cầu về nhà cửa. Trong các ngành khác, hoạt động kinh doanh cũng dần chững lại do những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Trên thực tế, đã có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động do chi phí vốn quá cao.

Ở một phản ánh khác, mức chênh lệch lớn trong tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu cũng đã nêu bật sự suy giảm mạnh của cầu nội địa.

Tính từ đầu năm tới nay, xuất khẩu tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu chỉ tăng 4,4%. Tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 23,0% trong tháng 3 xuống 16,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh những yếu tố cơ bản.

Trong thời gian tới, HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 17,7% trong cả năm, giảm so với mức dự đoán ban đầu là 22,9%. Nhu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài có lẽ sẽ tăng lên vì Trung Quốc đang dần hồi phục cũng như Mỹ đã có mức tăng trưởng vượt dự báo.

Tuy nhiên, xét về nguồn cung, khi nhiều doanh nghiệp bị hạn chế trong tiếp cận vốn vì giá vay vốn quá cao, sản xuất hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ mất chút ít lợi thế cạnh tranh do VND đang ổn định. Vì vậy, mặc dù vẫn sẽ có tăng trưởng, nhưng tốc độ xuất khẩu của Việt Nam sẽ chậm lại trong năm nay.

“Chúng tôi tin rằng sự sụt giảm đáng lo lắng nhất không phải là ở xuất khẩu mà là nhập khẩu đang suy giảm đáng kể. Trong khi Việt Nam cần giảm tốc nhập khẩu để kìm hãm thâm hụt thương mại, thì số liệu tăng trưởng nhập khẩu yếu kém cũng cho thấy rằng cầu nội địa đang thấp”, báo cáo của HSBC nêu vấn đề.

Nguyên do, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam được sử dụng cho sản xuất hơn là tiêu dùng, mức tăng trưởng nhập khẩu thấp cho thấy các doanh nghiệp đang khá thận trọng và ước đoán nhu cầu thị trường sẽ  rất thấp trong những tháng tới.

Thực tế, các nguyên vật liệu nhập khẩu như phân bón, bông, vải sợi, nguyên liệu da giày, thép, ô tô, xe máy, xăng và khí đốt hóa lỏng đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh trong vài tháng trở lại đây khi so sánh cùng kỳ năm ngoái.

Với mức suy giảm trong cầu nhập khẩu, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước thấp cũng như môi trường sản xuất khó khăn hơn, HSBC kỳ vọng thâm hụt thương mại sẽ được cải thiện đáng kể và giảm từ 9,8 tỷ USD trong năm 2011 xuống 4,6 tỷ USD trong năm 2012.

Trong khi giúp cải thiện số liệu về xuất khẩu ròng, việc giảm nhập khẩu phản ánh nhu cầu tiêu dùng cá nhân đã chững lại cũng như đầu tư đang giảm đi. Số liệu GDP thấp hơn mức mong đợi của quý 1 chứng tỏ nhiều ngành, bao gồm cả ngành dịch vụ đang giảm tăng trưởng đáng kể.

Ngay cả khi mức tăng trưởng nhập khẩu sẽ lên lại vào các tháng tiếp theo khi lãi suất cho vay giảm và có thêm nhiều công cụ nới lỏng được thực thi, mức tăng trưởng này cũng sẽ giảm xuống 14% cho cả năm so với dự báo trước đây của HSBC là 20,6%.

Ngay cả bán lẻ vốn là ngành rất sôi động cũng đã trầm lắng, đã rơi xuống vùng tăng trưởng âm trong những tháng gần đây, cho thấy mức tiêu dùng có thể còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Với nhu cầu thấp, HSBC kỳ vọng mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân giảm xuống 4,3% trong năm 2012 thay vì con số ước tính trước đây là 4,8%.

Vì tăng trưởng đã giảm nhiều hơn mong đợi và lạm phát liên tục dịu xuống, khả năng mà nhóm nghiên cứu tin tưởng là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tiếp theo. Đợt giảm lãi suất tiếp theo được dự báo sẽ vào đầu quý III/2012.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện