HSBC: Giảm lãi suất không thể nâng cao tăng trưởng tín dụng
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của HSBC cho thấy, sản lượng đã tăng 3 tháng liên tiếp. Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, với thặng dư thương mại của tháng 1 dự kiến là 200 triệu USD. Lạm phát vẫn giữ ở mức một con số kể từ tháng 5/2012 và dòng vốn FDI tăng tốc đáng kể.
Tuy nhiên, theo HSBC, quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam vẫn còn mong manh và đầy khó khăn, thể hiện ở chỉ số PMI toàn phần. Sau khi tăng trong tháng 11/2012, hoạt động sản xuất lại thụt lùi trong tháng 12, và chỉ tăng nhẹ trong tháng 1/2013. Tết Nguyên đán năm nay diễn ra vào tháng 2 trong khi năm ngoái là tháng 1, có nghĩa xuất khẩu và nhập khẩu của tháng 2 sẽ yếu hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, chỉ số PMI cũng cho thấy sự tăng tốc đáng kể của giá cả đầu vào. Lạm phát toàn phần tháng 1 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi tháng 12/2012 chỉ là 6,9%. So với tháng trước, lạm phát tháng 1 tăng 1,25% (không tính yếu tố điều chỉnh theo mùa) từ mức 0,3% của tháng 12/2012.
"Lạm phát cơ bản cao hơn đáng kể, cùng với giá dầu tăng cao, có nghĩa là lạm phát toàn phần có thể tăng nhanh nếu lạm phát thực phẩm cũng tăng. Khi Trung Quốc trên đà phục hồi, giá cả hàng hóa toàn cầu có thể tăng, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải thận trọng nếu muốn duy trì lạm phát một con số", HSBC nhận định.
Song, vấn đề lớn hiện nay là nợ xấu sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu tín dụng. Tín dụng cả năm 2012 tăng 8,9%, giảm so với mức 14,4% trong năm 2011, chủ yếu do tác động của việc nợ xấu cao khiến ngân hàng ngại cho vay.
Do vậy, các chuyên gia của HSBC tỏ ra lo ngại nhiều hơn về các động thái bơm tín dụng của Chính phủ vào các lĩnh vực đang gặp khó khăn mà không có những cải cách cụ thể để tăng tính minh bạch của khu vực tài chính và khối doanh nghiệp Nhà nước. Những biện pháp như vậy sẽ làm tăng rủi ro mang tính hệ thống mà không giải quyết những thách thức cơ bản của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên tiếng về việc hạ lãi suất, nhưng HSBC cho rằng, nếu NHNN giảm lãi suất thị trường mở hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thì việc giảm lãi suất dường như không thể nâng cao tăng trưởng tín dụng vì đà tăng trưởng hiện tại đang chậm chạp không phải do thiếu thanh khoản mà do nhu cầu giảm sút trong nền kinh tế.
Từ đó, HSBC khuyến nghị, Chính phủ cần phải thực thi một số biện pháp để xoá bỏ nợ xấu trong hệ thống và nâng cao tính hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm đề ra những cải cách cụ thể để tăng hiệu quả của đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh, kiềm chế được lạm phát theo đúng cam kết.
Nguồn Khampha