Ảnh: TL.

 
Tuệ Anh Thứ Năm | 16/06/2022 10:23

HSBC: Giá vận tải cao kỷ lục thúc đẩy lạm phát toàn phần tại Việt Nam

Giá vận tải tăng cao kỷ lục sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam.

“Tại Việt Nam, giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần.”, đó là nhận định của HSBC trong báo cáo gần đây nhất. Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn. Từ tháng 1 năm nay, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam là Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3.

Lạm phát nhiên liệu đang tăng lên ở Thái Lan, Việt Nam và Singapore
Lạm phát nhiên liệu đang tăng lên ở Thái Lan, Việt Nam và Singapore.

Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế nhằm giảm nhẹ áp lực năng lượng. Chính phủ Việt Nam cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý II/2022, được thể hiện trong số liệu nhập khẩu của Việt Nam tăng lên. Trong khi đó, kể từ ngày 1/4, chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác. Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

Theo dự báo của HSBC, tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên, nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời. Báo cáo của HSBC cũng nhận định: “Tình hình đó có thể sẽ khiến NHNN phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023” .

Trong vòng một năm vừa qua, tình hình có vẻ yên ắng trên mặt trận lạm phát ở khu vực ASEAN so với các nơi khác trên thế giới. Tới nay tình hình đã đổi khác: áp lực giá đã tăng lên đáng kể ở một số thị trường, đáng lưu ý là Thái Lan, Philippines và Singapore. Rủi ro lớn nhất đối với bình ổn giá cả trong khu vực tới thời điểm này vẫn là giá năng lượng và thực phẩm trên thế giới tăng lên. Trợ cấp và kiểm soát giá tất nhiên giúp giảm nhẹ tác động đáng kể ở Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, những động thái này lại ngày càng tốn kém. Vì vậy, sau một thời gian, chương trình trợ cấp và kiểm soát giá sẽ cần thu gọn lại và khoanh vùng cụ thể hơn – một bước quan trọng nhằm giải phóng thêm nguồn ngân sách cho mục đích khác, ví dụ như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, tuy nhiên cái giá phải trả có thể là lạm phát cao lên.

Còn có một rủi ro nữa là giá năng lượng và thực phẩm tăng cao “lây lan” sang chỉ số CPI cơ bản – một thách thức càng nghiêm trọng do phục hồi từ đại dịch, nhu cầu trong nước dồn nén nhiều khả năng khiến việc điều chỉnh giá trầm trọng hơn trong toàn nền kinh tế và thắt chặt thị trường việc làm. Theo ước tính của HSBC, lạm phát cơ bản của Philippines, Indonesia và Malaysia đặc biệt dễ ảnh hưởng do lạm phát năng lượng và thực phẩm tăng, Thái Lan và Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn.

Nguồn báo cáo của HSBC