Thứ Hai | 04/08/2014 19:08

HSBC dự báo tăng trưởng tín dụng 2014 của Việt Nam là 10%

Con số này thấp hơn mức mục tiêu 12% đến 14% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, trong năm 2013, tổng dư nợ của nền kinh tế chiếm khoảng 97% GDP, giảm đáng kể từ năm 2010 khi mà con số này đạt đỉnh điểm là 115% GDP quốc gia.

Điều này do nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh bằng đòn bẩy tài chính, khi mà tăng trưởng cho vay trung bình mỗi năm đạt đến mức 31% từ năm 1991 đến 2010. Sau đó, tín dụng tăng trưởng ít hơn, ở mức trung bình 12% mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng 3,6% so với cuối năm 2013 và khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay từ 12% đến 14% và dự báo của HSBC là 10%.

HSBC đã thu thập dữ liệu về mức tăng trưởng tín dụng hàng tháng theo thời gian để phân tích tính mùa vụ và tập quán vay mượn cũng như mối liên hệ giữa nó và GDP, lạm phát và các lựa chọn đầu tư khác.

Dù điều này có vẻ hơi cảm tính nhưng HSBC nhận thấy vòng quay của đòn bẩy tài chính này sẽ khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Kể từ khi tiến hành cổ phần hóa bắt đầu năm 1992, tỷ lệ đầu tư bằng vốn Nhà nước của Việt Nam đã tăng mạnh, đạt đỉnh ở mức 60% năm 2011. Khi nền kinh tế phát triển trên vòng quay sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính thì các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi từ nguồn tín dụng dễ dãi thì đa phần lại không đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất.

Năm 2011, chính phủ quyết định giảm các đòn bẩy tài chính, làm bộc lộ yếu kém ở khu vực kinh tế nhà nước và gia tăng các khoản nợ xấu. Theo HSBC, tăng trưởng của nền kinh tế được kiểm soát ở một mức sàn nhất định và chính phủ sẽ có những biện pháp thích hợp để kiểm soát, thúc đẩy sự tăng trưởng.

Nguồn: HSBC/Gafin
Nguồn: HSBC/Gafin

Những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ngừng sử dụng các đòn bẩy. Trong thời gian này, Việt Nam sẽ tiến hành các cải cách để cải thiện tính hiệu quả của hệ thống ngân hàng và đầu tư Nhà nước. Do khối Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, sự sụt giảm của khối này sẽ có nhiều tác động đến tiêu dùng, đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kéo tăng trưởng chung đi xuống.

Xuất khẩu giúp hỗ trợ nền kinh tế, tăng trưởng 14,1% từ đầu năm đến tháng 7. Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc trong năm dù có vài giai đoạn suy giảm. Từ tháng 12, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam luôn ở trên mức 50. Với tăng trưởng tín dụng thấp, lạm phát sẽ được kiểm soát. HSBC dự kiến NHNN sẽ giữ lãi suất thị trường mở (OMO) ổn định ở mức 5% cho đến hết năm.

Vì sao tăng trưởng GDP khá tốt dù tăng trưởng tín dụng thấp?
HSBC cũng giải thích nghịch lý về tăng trưởng GDP vẫn còn khá tốt của Việt Nam dù tăng trưởng tín dụng thấp. Theo đó, ngành sản xuất là một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 5% đến 5,5% trong những năm gần đây. HSBC cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn nữa trong tháng tới. Tuy nhiên, sự hồi phục của lực cầu bên ngoài, đặc biệt là trong quý 4/2014 sẽ thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng cao hơn.

HSBC dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm 2015, khi các dự án đầu tư FDI mới bắt đầu hoạt động cũng như sự hồi phục của môi trường kinh tế toàn cầu.

Theo HSBC, những gì đang cản trở Việt Nam không đạt mức tăng trưởng trên 7% là những yếu tố bên trong của nền kinh tế. Cải cách, đặc biệt là cải cách khu vực ngân hàng, đang được thực hiện với tốc độ chậm chạp, chưa đủ để tạo ấn tượng về một tương lai tươi sáng hơn phía trước. Kết quả là sức tiêu thụ tiếp tục chậm lại.

Trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và phần trăm tăng trưởng GDP danh nghĩa, HSBC cho rằng Việt Nam vẫn đang trong quá trình giảm lượng nợ xấu tích lũy cao từ những năm 1990. HSBC dự báo quá trình này sẽ tiếp tục đến năm 2016.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại ở mức 12% kể từ năm 2011. Tăng trưởng cho vay chịu ảnh hưởng điều chỉnh mua vụ bởi nếu quý I tốc độ tăng trưởng quá thấp so với chỉ tiêu thì việc cho vay sẽ được đẩy mạnh vào nửa cuối năm. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng được điều chỉnh chậm lại trong nửa cuối năm nếu nửa đầu năm đã tăng quá mạnh.

Nguồn: HSBC/Gafin
Nguồn: HSBC/Gafin

HSBC tính toán dữ liệu tăng trưởng tín dụng tháng theo thời gian dựa trên việc thu thập chỉ số tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm đến thời điểm công bố từ nguồn khác nhau. Phân tích của HSBC cho thấy áp lực giá sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng được bơm vào nền kinh tế. HSBC không trông đợi tín dụng sẽ tăng mạnh trong 2 năm tới khi chính phủ nỗ lực chấm dứt đầu tư vào những khu vực hoạt động không hiệu quả nhất.

Theo đó, lạm phát, sau khi loại trừ những yếu tố biến động theo mùa khi giá dịch vụ tăng và yếu tố thời tiết ảnh hưởng lên nguồn cung thực phẩm và giá dầu thế giới, cũng sẽ giữ trong khoảng từ 4,5% đến 6,5%.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện