Thứ Hai | 01/10/2012 10:13

HSBC: Chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam lên cao nhất 5 tháng

Chuyên gia HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào quý IV và Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất ổn định đến hết 2012.
Hôm nay (1/10), ngân hàng HSBC Việt Nam phối hợp cùng công ty Markit Econimics công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 9/2012.

Đây là lần thứ sáu bản báo cáo công bố những dữ liệu được thu thập từ cuộc khảo sát hàng tháng về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Theo báo cáo của HSBC, chỉ số PMI toàn phần tháng 9 đã đạt mức cao trong năm tháng gần đây là 49,2 điểm so với mức 47,9 điểm của tháng trước. Điều này cho thấy, các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tiếp tục xấu đi trong tháng 9, dù mức giảm sút khá nhẹ.

thsgseg

Yếu tố đáng chú ý trong báo cáo tháng này của HSBC là sản lượng sản xuất, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới và chi phí đầu vào.

Cụ thể, dữ liệu của tháng 9 chỉ ra rằng sản lượng sản xuất chỉ có thay đổi nhỏ so với tháng trước sau khi đã giảm mạnh một tháng trước đó. Theo khảo sát của HSBC, tình trạng sản lượng sản xuất trì trệ đã phản ánh số lượng đơn đặt hàng mới giảm so với tháng trước - mà nguyên nhân của việc này là do nhu cầu thị trường yếu đi.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp, số lượng đơn đặt hàng mới tại các nhà máy sản xuất hàng hóa Việt Nam sụt giảm. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã thấp hơn so với các tháng trước đó.

Xét về số đơn đặt hàng xuất khẩu mới, báo cáo của HSBC cho thấy, tốc độ giảm số lượng đơn hàng xuất khẩu mới lại tăng so với tháng trước. Mặc dù chỉ  ở mức giảm nhẹ nhưng số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài trong tháng 9 được ghi nhận là giảm mạnh nhất từ lúc bắt đầu khảo sát đến nay.

Với việc số lượng đơn hàng mới giảm, lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng tiếp tục giảm trong tháng 9. Tuy nhiên, tốc độ nghỉ việc của lao động tháng này khá thấp.

Hoạt động mua hàng cũng tiếp tục giảm trong tháng 9. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm khá nhẹ, tuy nhiên đây là tháng thứ hai liên tiếp tốc độ giảm có dấu hiệu chậm lại đáng kể. Do đó, lượng hàng mua tháng 9 đã giảm ở tốc độ chậm nhất kể từ tháng 11/2011. Trong khi đó, các công ty tiếp tục cho biết, thời gian giao hàng của các nhà sản xuất đã rút ngắn chứng tỏ các nhà cung cấp có đủ hàng hóa đầu vào để bán.

Chỉ số PMI của HSBC được xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất.Chỉ số được tổng hợp dựa vào 5 trọng số: Đơn đặt hàng mới - 0,3, Sản lượng - 0,25, Việc làm - 0,2, Thời gian giao hàng của nhà cung cấp - 0,15, Tồn kho các mặt hàng đã mua - 0,1 cùng với chỉ số Thời gian giao hàng được đảo ngược để chỉ số biến động theo hướng có thể so sánh.PMI đạt mức 50 điểm trở lên cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.


Trong tháng 9, chi phí đầu vào trung bình của các nhà sản xuất hàng hóa đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ lạm phát được ghi nhận ở mức cao nhất trong năm tháng qua.

Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá trung bình mà những người tham gia khảo sát đưa ra là chi phí nguyên liệu thô đã tăng trong tháng. Một số người tham gia khảo sát cũng nêu nguyên nhân là do giá mua nhiên liệu cao hơn.

Mặc dù chi phí trung bình tăng lên nhưng các nhà sản xuất hàng hóa đã giảm giá xuất xưởng trong tháng 9 để thu hút đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên tốc độ giảm giá còn thấp.

Nhận định về chỉ số PMI tháng 9, Trinh Nguyen, Nhà kinh tế Châu Á của HSBC cho rằng, sự ổn định của hoạt động sản xuất là một bước phát triển tích cực, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong quý IV. Với tỷ lệ lạm phát tăng đáng kể, như được thể hiện ở mức tăng giá cả đầu vào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ lãi suất ổn định đến hết năm.

Nguồn HSBC


Sự kiện