Thứ Hai | 03/12/2012 09:19

HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lên cao nhất từ tháng 9/2011

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vượt ngưỡng trung bình lần đầu tiên trong 14 tháng qua.
Theo báo cáo mới công bố của HSBC, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam tăng lên 50,5 điểm trong tháng 11, từ mức 48,7 điểm trong tháng 10.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC được điều chỉnh theo mùa vượt ngưỡng trung bình 50 điểm lần đầu tiên trong 14 tháng qua và đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Sự cải thiện các điều kiện hoạt động phản ánh sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11. Sản lượng tăng với mức độ lớn nhất kể từ tháng 9/2011, từ đó kết thúc thời kỳ sụt giảm kéo dài suốt 7 tháng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể tăng lên trở lại vào tháng 11, giúp kết thúc thời kỳ sụt giảm kéo dài suốt 6 tháng. Mặc dù mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11 khá nhỏ nhưng lại là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2011.

Chỉ số quản trị mua hàng HSBC

Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng đã giảm 8 tháng liên tiếp cho thấy năng lực hoạt động trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam không chịu nhiều sức ép.

Số lượng nhân công tiếp tục tăng cũng góp phần vào việc giảm lượng công việc tồn đọng trong tháng. Tốc độ tạo việc làm tăng nhẹ so với tháng 10 và là mức tăng đáng kể nhất trong một năm qua.

Yêu cầu về sản xuất cao hơn và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên đã làm gia tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào lần đầu tiên kể từ tháng 3 vừa qua, giúp chấm dứt quá trình giảm tồn kho hàng mua 13 tháng liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy mức tồn kho hàng hóa trước sản xuất thấp hơn phản ánh sản lượng cao hơn dự kiến trong tháng 11. Hoạt động bán hàng được cải thiện cũng góp phần giảm lượng tồn kho hàng hóa thành phẩm với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua.

Dữ liệu của tháng 11 cho thấy một số bằng chứng về các chiến lược giảm giá đã làm tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Giá xuất xưởng giảm 7 tháng liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8. Trong khi đó, gánh nặng chi phí trung bình tiếp tục tăng trong tháng 11 do ảnh hưởng của các mặt hàng liên quan đến xăng dầu. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng chi phí đã tiếp tục chậm lại so với mức cao của năm tháng được ghi nhận trong tháng 9.

Chuyên viên kinh tế Trinh Nguyen của HSBC đánh giá, "Sự phục hồi hoạt động sản xuất đã được tiên đoán trước và là điều rất cần thiết. Sự mở rộng sản xuất được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cũng như tình hình lạm phát đã giảm nhẹ, trong khi nhu cầu hàng xuất khẩu vẫn còn yếu. Chúng tôi dự kiến trong thời gian tới hoạt động kinh tế sẽ dần dần hồi phục và được hỗ trợ bởi cả nhu cầu trong nước và quá trình dần hồi phục ở Trung Quốc."

Nguồn Khampha


Sự kiện