HOSE và câu hỏi nóng từ thị trường
Có thể thấy, số liệu tổng kết quý I của HOSE đã phản ánh một thị trường sôi động. Tổng khối lượng giao dịch chứng khoán trong quý đạt 7,699 tỷ đơn vị, tăng gấp rưỡi con số 5,503 tỷ của quý IV/2013 và gần gấp đôi 4,025 tỷ chứng khoán giao dịch trong quý I/2013. Tổng giá trị giao dịch quý vừa qua cũng đạt 131.263 tỷ đồng so với con số 79.427 tỷ đồng quý IV và gấp đôi giá trị giao dịch cùng kỳ năm trước là 61.944 tỷ đồng.
Trong quý I/2014, có 1 công ty niêm yết mới, 23 đợt phát hành thêm và niêm yết bổ sung, trong đó số đợt phát hành thu tiền là 17 đợt và khối lượng phát hành là 435 triệu cổ phiếu với tổng số tiền huy động là 4.376 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi số tiền huy động quý I năm ngoái.
Có 9 đợt bán đấu giá diễn ra trong 3 tháng đầu năm, trong đó 6 đợt thành công, 3 đợt hủy với số lượng cổ phiếu chào bán 41,3 triệu đơn vị, bán thành công 12,5 triệu cổ phiếu và thu được 154,4 tỷ đồng. Con số này tương đương với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo kế hoạch cổ phần hóa DNNN vừa được thông qua, có tới 432 DNNN sẽ cổ phần hóa thì câu hỏi đặt ra là nguồn cung trên thị trường có bị quá tải?
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, khi thông tin này đưa ra, cũng có ý kiến lo ngại lượng cung lớn ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, số lượng DNNN cổ phần hóa như kế hoạch sẽ diễn ra trong 2 năm 2014 - 2015 và theo quy định, chỉ có những đợt đấu giá từ 10 tỷ đồng trở lên mới thực hiện qua Sở, nên lượng đấu giá thực tế qua Sở sẽ thấp hơn con số 432 DN.
“Lực hút của thị trường còn tùy thuộc chất lượng hàng hóa và tính thanh khoản tại thời điểm chúng ta chào bán. Thanh khoản trong quý I rất tốt. Trong các đoàn mà HOSE tiếp từ đầu năm, đa số NĐT rất quan tâm đến cổ phần hóa và nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch thực hiện đấu giá bán cổ phần, IPO. Với tình hình thị trường thứ cấp có diễn biến tốt, sự quan tâm của NĐT và tình hình sản xuất - kinh doanh của DN được cải thiện, chúng tôi tin rằng, hoạt động đấu giá sẽ tích cực”, bà Đào nói.
Khi nào sản phẩm ETF được triển khai đến thị trường là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Địch Thanh, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu và phát triển cho biết, Sở đã nâng cấp xong hệ thống giao dịch để phục vụ giao dịch ETF. Hệ thống này đã thử nghiệm nội bộ với công ty quản lý quỹ và sẵn sàng triển khai. Sở cũng đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống giám sát và cho chạy thử nghiệm. Quy chế niêm yết, công bố thông tin hướng dẫn giao dịch đã được chuẩn bị khá chu đáo để lấy ý kiến UBCK và các thành viên thị trường.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã và đang phối hợp công ty quản lý quỹ, CTCK để phổ biến kiến thức sản phẩm mới đến thị trường, cách thức giao dịch, ưu điểm cũng như rủi ro của sản phẩm.
Bà Đào nhấn mạnh, thậm chí có thể có một buổi phổ biến riêng về kiến thức triển khai sản phẩm ETF cho các nhà báo để hỗ trợ quá trình triển khai ETF trong năm nay. Căn cứ vào những quy định hiện nay, ông Thanh ước tính, khoảng cuối quý II, đầu quý III, sẽ có công ty quản lý quỹ nộp hồ sơ niêm yết ETF cho Sở và với quy trình niêm yết ETF đơn giản hơn niêm yết DN thì chỉ một thời gian ngắn sau, chứng chỉ quỹ ETF sẽ chính thức được giao dịch trên Sở.
Được biết, một công ty quản lý quỹ hiện đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ lên UBCK, sau khi được cấp phép, quỹ có 90 ngày để chào bán và sau khi chào bán thành công, được cấp giấy chứng nhận thành lập để trong vòng 30 ngày, nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE.
Về hoạt động niêm yết và hủy niêm yết của DN, hiện tại HOSE mới nhận 1 hồ sơ đăng ký niêm yết nhưng hy vọng sau mùa ĐHCĐ này, số hồ sơ đăng ký niêm yết sẽ tăng lên. Trong năm 2013, HOSE nhận được nhiều hồ sơ hủy niêm yết tự nguyện, nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ có 1 hồ sơ mà Sở đang xử lý.
Bà Phan Vũ Trầm Hương, Phó giám đốc phòng quản lý niêm yết cho biết, hiện có hồ sơ của 4 công ty thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc do lỗ quá số vốn tự có. Trong khi đó, theo bà Đào, tới đây, UBCK sẽ có quy định buộc các công ty bị hủy niêm yết đăng ký giao dịch ở thị trường dành cho công ty chưa niêm yết để đảm bảo thanh khoản cho NĐT.
Câu hỏi phóng viên ĐTCK đặt ra là gần đây có nhiều thông tin ảnh hưởng đến giá chứng khoán được DN niêm yết cung cấp cho đội phân tích của CTCK mà NĐT cá nhân không được biết. Nên chăng, Sở cần khuyến khích DN công bố nội dung thông tin trả lời đội phân tích của tổ chức đầu tư trên website sau mỗi buổi tiếp xúc, để NĐT cá nhân bình đẳng trong tiếp cận thông tin?
Bà Hương cho biết, vừa qua, Bộ phận quản lý sau niêm yết sau khi xem xét báo cáo về DN của các CTCK, nếu phát hiện thông tin ảnh hưởng đến giá chứng khoán thì Sở đã có công văn nhắc nhở và yêu cầu DN công bố thông tin, xem đó là một lần vi phạm bị nhắc nhở. Theo thống kê, tình hình vi phạm công bố thông tin từ đầu năm, các công ty bị nhắc nhiều do lỗi vi phạm này. “Tôi hy vọng trong thời gian tới, các công ty sẽ khắc phục được việc cung cấp thông tin trước cho các đội phân tích của CTCK”, bà Hương nói.
Bà Đào lưu ý, theo quy định của Thông tư 52 về công bố thông tin, khi có thông tin ảnh hưởng đến giá chứng khoán theo nhận định của Ban lãnh đạo công ty thì công ty phải thực hiện công bố thông tin ra thị trường. Đội giám sát niêm yết của Sở khi phát hiện các thông tin của công ty đăng tải trên báo chí mà chưa thực hiện công bố, thì yêu cầu thực hiện công bố trong vòng 24 h. “Thực tế hiện nay, có sự bất cân đối xứng thông tin giữa đội phân tích của CTCK và các NĐT bình thường. Nếu công ty sau khi tiếp các đội phân tích thực hiện công bố những nội dung trả lời trên website để các NĐT khác cùng biết là rất tốt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khuyến nghị mang tính khuyến khích thực hiện. Khi góp ý sửa đổi Thông tư 52 về công bố thông tin, chúng tôi sẽ cân nhắc đưa khuyến nghị này thành quy định để giảm sự bất cân xứng thông tin giữa các NĐT lớn và nhà NĐT nhỏ”, bà Đào nói.
Trong chương trình công tác của HOSE, cùng với triển khai sản phẩm mới ETF, Sở tiếp tục nghiên cứu xây dựng chỉ số chung 2 sàn và nghiên cứu xây dựng chỉ số iVN30; xây dựng dự thảo đề án và thông tư về sản phẩm Convered Warrant; rà soát về cơ chế phát hành chứng chỉ lưu ký không hưởng quyền NVDR.
Nguồn Đầu tư chứng khoán