Thứ Sáu | 23/05/2014 16:35

Họp báo Bộ Ngoại giao: Công thư 1958 không công nhận chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc

Bộ Ngoại giao hôm nay công bố các bằng chứng chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam không đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông. Xin hỏi đây có phải là giới hạn kiên nhẫn của Việt Nam?

Ông Trần Duy Hải: Chủ quyền lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng. Tôi xin nói là vàng rất quý, nhưng độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng.

Vừa qua có thông tin Trung Quốc bắt công dân Việt Nam kí vào bản đồ công nhận Trường Sa và Hoàng Sa của TQ mới cho nhập cảnh, Việt Nam dã biết vấn đề này hay chưa? Việt Nam có hướng giải quyết gì cho công dân của mình?
Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin như phóng viên đã đưa, tuy nhiên chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại thông tin này.
Hiện nay chúng ta đang kiên trì các biện pháp hòa bình, nhưng nếu sắp tới Trung Quốc không có biện pháp tích cực thì Việt Nam có biện pháp mạnh mẽ nào hay không?

Ông Trần Duy Hải: Như Thủ tướng của chúng ta đã nói, chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tuy nhiên, nếu cần thiết, chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Khi nào Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Quyết định là thuộc về chính phủ. Chính phủ sẽ phải dựa trên kiến nghị của tất cả các cơ quan chức năng và như vậy chúng ta sẽ phải chờ đợi quyết định của Chính phủ.

Ông có thể bình luận về việc Trung Quốc cáo buộc liên tiếp gây hấn? Cho đến thời điểm hiện tại, ASEAN mới ra 1 tuyên bố chung, sắp tới Việt Nam sẽ làm gì để có được sự ủng hộ của ASEAN trong việc công nhận chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa?

Ông Ngô Ngọc Thu: Trung Quốc cáo buộc lực lượng Việt Nam cho tiến hành đâm va các tàu của Trung Quốc, đây là một thông tin hết sức sai lệch, chúng tôi ra sức bác bỏ thông tin này.

Thời kì cao điểm, Trung Quốc huy động 137 tàu quanh khu vực giàn khoan và các tốp máy bay, sử dụng vòi rồng công suất lớn, sử dụng âm thanh với công suất lớn gây khó chịu và ảnh hưởng đến các tàu của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc liên tiếp đâm va, gây hấn với các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp. Việt Nam không sử dụng vũ lực mà chỉ sự dụng biểu ngữ và các loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc cho rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.

Thực tế, tàu của Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc đâm va và gây hư hỏng. Hình ảnh chúng tôi cung cấp cho báo chí cho thấy Trung Quốc đã liên tiếp chủ động tấn công tàu Việt Nam.

Ông Lê Hải Bình: Các vị lãnh đạo cấp cao ASEAN đã đề cập đến vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép, đặc biệt ASEAN còn ra tuyên bố chung… Đây chính là điểm nhấn. Ngoài ra, các nước ASEAN khác cũng ra tuyên bố riêng về việc này, yêu cầu các nước liên quan không sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề này.

Dư luận thế giới đang ủng hộ Việt Nam dùng hòa bình trong việc giải quyết vấn đề này. Trong các cuộc gặp song phương và đa phương tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này.
Mới đây, Trung Quốc tuyên bố cho dừng 1 số thỏa thuận với Việt Nam, hoạt động này là gì? Có ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam hay không?

Ông Trần Duy Hải: Cho đến nay, mọi hoạt động giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiến hành bình thường. Có thể Trung Quốc muốn nói về việc đưa các lao động phổ thông ở Việt Nam về nước.

Về thỏa thuận giữa Bộ trưởng ngoại giao 2 nước đã đồng ý không sử dụng biện pháp quân sự, xin được xác nhận thông tin này?
Ông Trần Duy Hải: Trung Quốc nhiều lần khước từ thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ở Hoàng Sa. Trong cuộc gặp giữa hai bên, phía Trung Quốc tán đồng quan điểm của Việt Nam về việc không sử dụng vũ lực.

Cho đến nay, giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động được 3 tuần, Việt Nam có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sắp tiến hành hoạt động khoan thăm dò ở vùng biển đó hay chưa?

Ông Đỗ Văn Hậu: Nếu theo quy trình của việc định vị và các công tác chuẩn bị thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan, tuy nhiên phía Việt Nam không tiếp cận được vào gần giàn khoan nên chưa thể xác định Trung Quốc đã khoan hay chưa.

Theo quan điểm của Việt Nam, các đảo ở Hoàng Sa là vùng tranh chấp hay không tranh chấp? Nó khác nhau ở cái gì?

Ông Trần Duy Hải: Tôi đã khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, với thiện chí hòa bình, chúng ta sẵn sàng trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này. Việc Trung Quốc khẳng định họ có chủ quyền đối với Hoàng Sa là hoàn toàn sai, đối nghịch lại lời phát biểu trước đó của lãnh đạo Trung Quốc.

Hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải bài viết xuyên tạc lịch sử, vu khống Việt Nam. Xin hỏi quan điểm của Việt Nam về bài báo này thế nào? Trên mạng có thông tin Trung Quốc đưa công nhân về nước, lợi dụng việc đó để bóp méo tình hình an ninh trật tự của Việt Nam. Điều này có đúng hay không?

Ông Lê Hải Bình: Đây là bài báo thể hiện ý kiến cá nhân hết sức phiến diện, sai trái.Tôi lấy làm tiếc khi một hãng thông tấn như RIA Novosti lại đăng tải thông tin như vậy.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với Sứ quán Nga và được biết đây chỉ là ý kiến cá nhân của phóng viên.

Về thông tin Trung Quốc rút công nhân về nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, một số vụ gây rối ở Hà Tĩnh, Bình Dương xảy ra là điều đáng tiếc. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các địa phương nói trên đã mau chóng ổn định tình hình.

Các hoạt động kinh doanh, sản xuất ở Hà Tĩnh, Bình Dương đã trở về bình thường. Tuyệt đại đa số các doanh nghiệp nc ngoài bị ảnh hưởng đều đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ Việt Nam.

Theo tôi được biết, ngoài Trung Quốc, không có nước nào đưa công nhân về nước.
Về việc Trung Quốc rút công nhân về nước, cho đến nay, chúng tôi khẳng định, tình hình đã ổn định, các doanh nghiệp đã ổn định kinh doanh. Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ đảm bảo không tái diễn những sự cố đáng tiếc như ở Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá cao xử lý của Chính phủ Việt Nam, họ cũng hoàn toàn tin tưởng vào việc Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm lợi ích cho họ.

Vừa qua Trung Quốc nói Việt Nam đưa tàu quân sự ra, trong khi đó Trung Quốc chỉ đưa tàu chấp pháp? Điều này có đúng hay không?

Ông Ngô Ngọc Thu: Vừa qua, Trung Quốc đã đưa rất nhiều tàu chiến, tàu quân sự, tàu dịch vụ ra nhằm mục đích bảo vệ cho khu vực giàn khoan trái phép. Các loại tàu như tàu vẫn tải đổ bộ, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu khu trục tên lửa hoạt động trái phép đều được lực lượng của chúng ta ghi lại số hiệu.

Về phía Việt Nam, chúng ta đưa ra 1 số lượng tàu hạn chế, làm nhiệm vụ hợp pháp chứ không hề có tàu quân sự. Điều này các PV trong nước và quốc tế đều được chứng kiến.

Ông Ngô Ngọc Thu cho biết, Trung Quốc có 5 loại tàu, số lượng đến 90 chiếc. Việt Nam đã theo dõi, ghi lại được số hiệu các tàu này.
Cụ thể, tàu vận tải đổ bộ có lượng giãn nước 17.000 tấn với nhiều bệ phóng tên lửa.

Thứ hai là tàu hộ vệ tên lửa, thứ ba là tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tiếp đó là tàu săn ngầm, tàu khu trục tên lửa...

Việt Nam có đầy đủ hình ảnh, bằng chứng về việc Trung Quốc đưa tàu quân sự đến hộ vệ giàn khoan Hải Dương 981.

Việt Nam chỉ đưa đến khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981các lực lượng chấp pháp như Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Điều này được các phóng viên quốc tế chứng kiến.

Vừa qua, mạng xã hội và các trang tin có rất nhiều hình ảnh quân đội Trung Quốc đưa quân và tập trung ở vùng biên giới, phía Việt Nam có nhận được thông tin này hay không?

Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giao thương, giao lưu phía biên giới vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về việc này.
Trong cuộc gặp giao thương giữa hai nước vừa rồi cũng đã thống nhất không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Việt Nam có khả năng sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề về Biển Đông hay không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao): Việt Nam với tư cách một quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc và Công ước luật Biển có quyền sử dụng mọi quy chế quy định của Liên Hợp quốc và Công ước luật Biển để giải quyết những việc liên quan đến mình. Trong đó quy định có thể sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, trong đó có cơ quan tài phán quốc tế. Việc này tốt hơn sử dụng biện pháp vũ trang.

Lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của mình. Vì vậy Bộ Ngoại giao cũng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho hoạt động này.

Về Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có giá trị về mặt pháp lý không?

Ông Trần Duy Hải: Công thư của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là 1 văn bản ngoại giao, có giá trị pháp lý về vấn đề được nêu trong đó. Nó không có giá trị đối với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc.

Theo ông Hải, đây là một thông tư về ngoại giao, Việt Nam khẳng định tôn trọng vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thông tư này không có giá trị pháp lý về vấn đề chủ quyền với vùng biển đảo của Việt Nam.

Thứ hai, giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Khi có công thư, lúc bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc Việt Nam Cộng Hòa theo Hiệp định Geneva mà Trung Quốc là một bên tham gia.

"Theo logic bạn không thể cho cái mà bạn không có được, nên Công thư không có giá trị về việc công nhận chủ quyền với cái gọi là Tây Sa, Nam Sa theo cách nói của Trung Quốc".
16h30: Cuộc họp báo chuyển sang phần hỏi đáp.
16h10: Ông Trần Duy Hải khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa. Từ nhiều thế kỷ nay, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khẳng định chủ quyền một cách hòa bình, liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau này phía Pháp thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Chủ quyền đối với hai quần đảo này cũng được khẳng định tại hội nghị San Francisco (Mỹ) về chủ quyền biển đảo của các quốc gia sau chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1951. Phía Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không gặp phải bất cứ phản đối nào.

16h07: Ban tổ chức buổi họp báo đang phát một video clip bằng tiếng Anh trong đó có những bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
16h05: Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết: Trong thời gian qua bất chấp giao tiếp rất nghiêm túc của Việt Nam, phía Trung Quốc vẫn không chấm dứt vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của Liên Hiệp quốc 1982. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và toàn bộ các tàu thuyền đang có mặt tại vùng biển của Việt Nam. Đáp lại thiện chí của Việt Nam, phía Trung Quốc đã không đáp ứng mà còn đưa ra nhiều thông tin sai lệch về hành động của họ. Ông Hải bác bỏ những thông tin sai trái của phía Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa.

16h00: Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bắt đầu buổi họp báo. Ông Bình thông báo tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi Việt Nam luôn kiềm chế, dùng mọi kênh đối thoại, các biện pháp hòa bình thì Trung Quốc hung hăng, ngoan cố còn đổ lỗi, vu khống cho phía Việt Nam. Ông Bình khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại buổi họp báo, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia sẽ trình bày về cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ trình bày quá trình thăm dò, khai thác dầu khí từ trước đến nay của Việt Nam.

Chủ trì buổi họp báo là ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam. Về phía đại diện Việt Nam còn có bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, ông Trần Duy Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, ông Đỗ Văn Hậu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Tham gia buổi họp báo quốc tế chiều nay, ngoài đại diện của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước còn có sự hiện diện của đại diện các Đại sứ quán, Lãnh sự quán các quốc gia, vùng lãnh thổ tại Hà Nội.

Theo Tuổi Trẻ, tối 21/5, trả lời trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters về tình hình biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định:

“Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Ngày 6/5, chính quyền Washington cảnh báo quyết định đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 (HD981) đến khu vực mà Việt Nam là một bước “khiêu khích”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ châu Âu cho rằng những căng thẳng đang diễn ra ở biển Đông là do Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực gây ra. Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và thế giới.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện