Hỗn loạn tiền mã hóa
Những vụ tấn công mạng
Ngày càng nhiều vụ tấn công mạng vào các sàn giao dịch tiền mã hóa, nơi lưu trữ một lượng lớn các loại tiền ảo mà các nhà đầu tư sử dụng để giao dịch hàng giờ. Sự kiện gần đây một lần nữa dấy lên mối lo ngại này. Theo đó, sàn giao dịch tiền mã hóa Bithumb có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) công bố đã bị hacker tấn công, đánh cắp số tiền trị giá khoảng 30 triệu USD. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là chỉ trong vòng hơn 1 tuần, đã có 2 sàn giao dịch tiền ảo của Hàn Quốc bị tấn công liên tiếp.
Trước đó, ngày 11.6 sàn giao dịch Coinrail cũng tuyên bố bị hacker ghé thăm. Con số thiệt hại chưa cụ thể, nhưng ước tính có thể lên đến 30% số tiền mà sàn giao dịch này đang nắm giữ và có thể lên đến 40 triệu USD. Trong khi Coinrail là một sàn giao dịch nhỏ thì Bithumb lại là sàn giao dịch có quy mô lớn nhất Hàn Quốc và xếp thứ 6 trên thế giới.
Không chỉ vậy, tháng 12 năm ngoái, sàn giao dịch Youbit (Hàn Quốc) xác nhận hệ thống đã bị tấn công, thiệt hại 17% trong tổng số đồng tiền đang nắm giữ. Youbit đã nộp đơn xin phá sản. Hàn Quốc là một trong những thị trường giao dịch tiền mã hóa sôi động nhất châu lục và cả thế giới, có lẽ vì thế mà nhiều sàn giao dịch tại đây liên tục bị hacker ghé thăm. Dù vậy, giá trị thiệt hại công bố vẫn còn thấp hơn những vụ tấn công đình đám khác.
Đó là sự kiện mất 500 triệu USD của sàn giao dịch Coincheck (Nhật) vào cuối tháng 1. Trước đó, sàn giao dịch Mt. Gox cũng bị mất số tiền tương tự và phải phá sản. Mt. Gox từng là sàn giao dịch lớn nhất thế giới, giữ thị phần đến 80% trước khi sụp đổ vào năm 2014.
Trong xu hướng giao dịch đi ngang trong nhiều tháng nay, cộng hưởng thêm những thông tin bị hacker viếng thăm, giá trị tiền mã hóa ngày càng chìm sâu hơn. Hiện đồng Bitcoin được giao dịch ở mức giá khoảng 6.300 USD/đồng. Giá trị vốn hóa của Bitcoin đã bốc hơi khoảng 60 tỉ USD so với mức đỉnh lập ra vào ngày 7.5. Diễn biến cũng tương tự với đồng Ethereum, hiện có mức giá giao dịch khoảng 535 USD/đồng, giảm từ mức 800 USD/đồng đầu tháng 5.
Tính cả thị trường, giá trị vốn hóa của hơn 1.206 đồng tiền, token các loại trên Coinmarketcap.com đã mất đi 180 tỉ USD so với thời điểm tạo đỉnh trong 3 tháng vào ngày 7.5, hiện về mức 286 tỉ USD vào ngày 22.6.
Chờ “thiết quân luật”
Có khoảng hơn 1.600 đồng tiền mã hóa và các loại token hiện đang được giao dịch, theo Coinmarketcap. Dù vậy, chỉ một số rất ít đồng tiền có giá trị thực sự, còn lại được gọi là “coin rác”.
Các sàn giao dịch là nơi đáp ứng “giấc mơ làm giàu” của các nhà đầu tư, bằng cách cung cấp công cụ mua bán tương tự như sàn chứng khoán. Những sàn giao dịch mọc lên như nấm sau mưa, sau thời kỳ đồng Bitcoin bắt đầu cán mốc 1.000 USD và tăng đều lên đến mức đỉnh gần 20.000 USD.
Ở từng quốc gia, nhiều sàn giao dịch lớn nhỏ xuất hiện để phục vụ nhu cầu đầu tư của người bản xứ, hoặc có quy mô toàn cầu. Nổi bật trong số đó là những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.
Đây cũng là thời kỳ hỗn loạn của các sàn giao dịch. Theo thống kê của Coinmarketcap, có đến hơn 11.000 sàn giao dịch tiền ảo, nhưng chỉ có 211 sàn là hoạt động tích cực tính đến thời điểm 20.6. Riêng 10 sàn giao dịch tiền ảo đã chiếm 40% lượng giao dịch toàn cầu. Rất nhiều sàn giao dịch đã phải phá sản, hoặc bị chính quyền các quốc gia đóng cửa.
Ngay cả ở Việt Nam, các giao dịch tiền mã hóa vẫn chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, nhưng làn sóng đầu tư tiền mã hóa cũng phát triển mạnh mẽ.
Nhìn chung, tình trạng hiện nay được đánh giá là khá hỗn loạn. Còn giới chức trách tại các quốc gia bắt đầu nhập cuộc nhưng khá thận trọng. Cơ quan quản lý ở nhiều nước công bố mở cuộc điều tra, nhưng đều vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng cho dòng tiền mã hóa bí ẩn “rời” khỏi các sàn giao dịch.
Đầu năm nay, giới chức Hàn Quốc ban hành luật buộc phải định danh các nhà đầu tư để tránh hoạt động rửa tiền phi pháp thông qua ngân hàng. Nhật thì buộc các sàn giao dịch phải đăng ký giấy phép với các tiêu chuẩn riêng. Ngược lại, Trung Quốc trong bối cảnh là trung tâm toàn cầu, hoạt động mạnh mẽ liên quan đến tiền mã hóa thì đang cố gắng siết lại.
Ở thị trường Mỹ, các ông chủ sàn cần phải đăng ký để hoạt động. Mới đây, Mỹ bắt đầu tiến hành điều tra hành vi thao túng giá tại 4 sàn giao dịch tiền ảo lớn, bao gồm Bitstamp, Coinbase, itBit and Kraken. Với số lượng sàn giao dịch quá nhiều, thật khó cho các nhà đầu tư để chọn ra được tên tuổi có uy tín trong thời buổi hiện nay. Liệu có cách nào để nhà đầu tư tự bảo vệ mình hay không? Câu trả lời là có nếu dùng “ví lạnh” (không có kết nối internet). Nhưng với đa phần là nhà đầu tư giao dịch hàng giờ, thì để tiền nằm “chết” đồng nghĩa với việc không kiếm được thêm tiền nữa.
Trong khi tài sản các nhà đầu tư bày ra như miếng mồi ngon trên thế giới mạng rộng lớn, các sàn giao dịch vẫn phải đua nhau làm hài lòng các “thượng đế”. Trên mạng xã hội Twitter, Bithumb cho biết sẽ “đền bù” cho nhà đầu tư tương ứng với số tiền bị mất và khuyến cáo nên chuyển sang lưu trữ các đồng tiền ở “ví lạnh” để đảm bảo an toàn.
Hiện sàn giao dịch này đã tạm dừng dịch vụ nhận và rút tiền sau khi bị tấn công mạng.
Thực tế, tương lai cho sàn giao dịch không chỉ phụ thuộc vào những quy định của cơ quan quản lý, mà còn phụ thuộc vào chính công nghệ thay đổi từng ngày. Một mô hình giao dịch thế hệ mới hiện đang nhen nhóm. Đó là hệ thống giao dịch phi tập trung, theo đó sàn giao dịch không nắm giữ tài sản của khách hàng, các giao dịch thực sự là của nhà đầu tư.
Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết việc kiểm soát thị trường tiền mã hóa sẽ đặc biệt khó khăn khi các luật lệ, quy định quản lý hệ thống đang dần lỗi thời, trong khi mỗi quốc gia lại có xu hướng tư duy quản lý khác nhau. Những rủi ro còn đến từ việc thanh toán khi kết nối giữa tiền mã hóa với cơ sở hạ tầng ở các quốc gia. Tổ chức được mệnh danh là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương” đề xuất cơ chế kiểm soát phối hợp toàn cầu.
Có thể thấy, thế giới vẫn còn lúng túng với tương lai của Bitcoin.