Nông dân Việt Nam chuyển sang trồng sầu riêng để tận dụng cơ hội kinh tế. Ảnh: SCMP.

 
Khánh Tú Thứ Ba | 30/01/2024 11:22

Hơn 90% sầu riêng Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc

Cạnh tranh sầu riêng trên thị trường Trung Quốc ngày càng khốc liệt, với sự tham gia của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tăng lên gần 70%. Điều này khiến Thái Lan gần như mất thế độc tôn, khi thị phần suy giảm đáng kể. Cũng trong năm này, nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh, chiếm gần 1/3 thị phần. Giới phân tích dự báo sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn nếu Malaysia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc trong năm 2024.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng trong năm 2023, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như trước đây, sầu riêng Thái Lan gần như chiếm thế độc quyền thì đến năm 2022 đã giảm xuống còn 95,36% và chỉ còn 67,98% vào năm 2023.

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng từ mức gần 0 lên 4,63% thị phần, đạt 188,1 triệu USD và tăng vọt lên 31,82% trong 11 tháng đầu năm 2023, với tổng giá trị là 2,1 tỉ USD.

 

Dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam chiếm 4,9% tổng khối lượng xuất khẩu toàn cầu trong năm 2022, với 40.880 tấn. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC cho biết hơn 90% sầu riêng Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sầu riêng đã trở thành loại trái cây cao cấp được tầng lớp trung lưu Trung Quốc ưa chuộng. Loại trái cây này thường được dùng làm quà tặng cho các cặp đôi trong dịp kết hôn. Và mặc dù bị một số người chê bai vì mùi nồng, sầu riêng vẫn có giá trị cao và thu hút được một lượng lớn tín đồ, những người xem đây là “vua của các loại trái cây”.

“Nhiều nông dân Việt Nam đang chuyển sang trồng sầu riêng. Họ biết cách luân canh và kéo dài thời gian thu hoạch. Sầu riêng được xem là cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Nông dân Việt Nam thì biết cách tận dụng tối đa cơ hội”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung Đại học Fulbright, cho biết.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, sự cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc dự báo sẽ khắc nghiệt hơn, với sự tham gia của Philippines. Nước này đang nỗ lực tăng thị phần, trong khi Malaysia tìm kiếm thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Sầu riêng Philippines đã giành được một phần nhỏ thị phần từ Thái Lan. Tháng 1/2023, Philippines được cho phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, với kim ngạch trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1,88 triệu USD. Số liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy Philippines chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm ngoái.

 

Hiện tại, sầu riêng Philippines vẫn ưu tiên thị trường nội địa và xuất khẩu lượng dư thừa. Điều này cũng khá dễ hiểu khi vận chuyển sầu riêng từ Philippines đến Trung Quốc còn nhiều khó khăn do các rào cản về khoảng cách địa lý và cơ sở hạ tầng, dẫn đến giá thành cao.

Song, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Philippines đang được đánh giá là điểm cung cấp sầu riêng thay thế tiềm năng đầu tiên cho Trung Quốc. Chính phủ Philippines có thể cân nhắc cải thiện cơ sở hạ tầng ở các trang trại và kho lạnh.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đang nỗ lực trồng sầu riêng, nhưng sản lượng không đáng kể. Theo ông Feng Xuejie, Giám đốc Viện nghiên cứu cây ăn quả nhiệt đới tại Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, sầu riêng nội địa Trung Quốc dự kiến đạt sản lượng 250 tấn trong năm 2024, và đến năm 2025 là 500 tấn.

Năm 2023, tỉnh Hải Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn sầu riêng, một con số khá thấp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại đất nước tỉ dân. Thêm vào đó, giá cả và hương vị của sầu riêng nội địa vẫn chưa được đủ sức cạnh tranh với sầu riêng nhập khẩu là một bài toán cần lời giải chính xác hơn trong tương lai.

Trong khi đó, ông Simon Chin, sáng lập công ty xuất khẩu DKing (Malaysia), cho biết các nhà xuất khẩu sầu riêng ở Malaysia đang nỗ lực mở rộng thỏa thuận xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm nay nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Được biết hiện tại Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Xét về mặt thu nhập, tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc vẫn tăng trong năm 2022, khi thị trường tiêu dùng ở các thành phố trung tâm của đất nước tỉ dân bắt đầu phát triển. 

“Nguồn cung sầu riêng không bao giờ đủ để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sầu riêng đã phát triển khá mạnh ở các thành phố cấp 1 và cấp 2, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ở các thành phố cấp 3, cấp 4 và cấp 5”, ông Sam Sin, Giám đốc Phát triển S&P Produce Group (Hồng Kông), cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Nhiều công ty chọn "im lặng là vàng" trước chuyển đổi xanh

Nguồn SCMP