Người tiêu dùng đã quay về với mua sắm tại cửa hàng. Ảnh: T.L
Hơn 90% doanh nghiệp tin rằng bán lẻ những tháng cuối năm sẽ khả quan
Theo công bố của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 trong nước ước tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.170,2 ngàn tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%).
Khảo sát doanh nghiệp Bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cũng cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Những doanh nghiệp bán lẻ có quy mô lớn, chiến lược kinh doanh bài bản vẫn khẳng định định được giá trị, tốc độ phục hồi và tăng trưởng của mình so với nhóm doanh nghiệp còn lại.
Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Theo Vietnam Report, có 15,8% doanh nghiệp được hỏi tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh doanh của chính mình. Các doanh nghiệp này lo ngại mối nguy tiềm ẩn của lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ tạo nên rủi ro lớn đối với tăng trưởng của ngành bán lẻ. Trong nửa đầu năm 2022, lạm phát tăng và duy trì ở mức cao đã gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh thu nhập trung bình chưa tăng kịp so với lạm phát, người tiêu dùng đã phải cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu. Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh…
Trong giai đoạn 2020-2021, thu nhập bất thường của dân cư tăng lên (nhờ vào sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản) nên nhu cầu đột biến với các hàng hóa xa xỉ, không thiết yếu cũng tăng mạnh, nhưng trong giai đoạn 2022-2023, những nhu cầu này có thể trở về trạng thái bình thường cũng sẽ ảnh hưởng tới sức mua của thị trường.
Đáng chú ý, ngay khi các hoạt động giãn cách xã hội được nới lỏng, người tiêu dùng đã nhanh chóng quay về với mua sắm tại cửa hàng, đẩy nhanh sự phục hồi của kênh bán lẻ truyền thống. Theo eMarketer, doanh số bán hàng tại cửa hàng toàn cầu đã tăng 8,2% vào năm ngoái lên 21,09 ngàn tỉ USD, nhiều hơn mức của năm 2019.
Sự phục hồi trở lại của bán lẻ truyền thống là một minh chứng báo hiệu rằng sự vươn lên thống trị của thương mại điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mua sắm online sẽ thoái trào, ngược lại, sẽ tiếp tục trở nên phổ biến hơn nhờ 2 động lực: đại dịch thúc đẩy hoạt động online, trở thành một phần thói quen của người dùng; và sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ internet.
Do vậy, để có thể tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn bình thường tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, đây chính là thời điểm để doanh nghiệp đưa ra những sự thay đổi, sự dịch chuyển toàn diện.
Tiếp đến là phải đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục. Ngoài ra, những kế hoạch liên quan đến số hóa, mở rộng thị trường hoặc phát triển mô hình bán lẻ mới cũng cần được ưu tiên nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế được các nguy cơ và tận dụng được các cơ hội trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm:
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 400 triệu USD sau 9 tháng