Thứ Bảy | 21/09/2013 15:53

Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản có lãi tại Việt Nam

Khoảng 34% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng năm 2013 sẽ tốt hơn đối với họ.
Việt Nam đứng thứ hai về số lượng các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN, sau Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện chính sách công nghiệp một cách có quản lý, và nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện.

Đó là các vấn đề trọng tâm được đặt ra tại hội thảo "Xúc tiến vốn đầu tư từ Nhật Bản - Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam", do Tạp chí Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM phối hợp với Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại TP.HCM hôm 19/9/2013.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho biết, trong 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần giai đoạn trước. Riêng năm 2012, Việt Nam xuất khẩu qua nhật 12 tỷ USD và nhập khẩu giá trị tương đương.

Ngược lại, Nhật Bản hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 4 tỷ USD, đóng góp 5,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Theo kết quả khảo sát, hiện 65,9% DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, 60,2% số DN Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam có lãi, đặc biệt 34,2% số DN Nhật Bản (tăng 13,8% so với năm ngoái) tại Việt Nam tin rằng năm 2013 sẽ tốt hơn đối với họ.

Ông Hưng cũng cho biết, năm 2018 thuế suất bình quân đánh vào hàng của Nhật Bản nhập khẩu vào (tăng 13,8% so với năm ngoái) sẽ giảm dần còn 7%, các linh kiện sản xuất màn hình phẳng và DVD sẽ được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 3% trong vòng 2 năm, máy ảnh kỹ thuật số sẽ được giảm xuống 10% trong vòng 4 năm, tivi màu sẽ được giảm xuống còn 40% trong vòng 8 năm…
Theo thống kê của JETRO, các ngành nghề chính Nhật Bản đầu tư nhiều vào Việt Nam là lắp ráp và phụ trợ; các ngành y tế, điện tử, dịch vụ cũng phát triển. Lý do nhiều DN Nhật vào Việt Nam là do giá nhân công Việt Nam rẻ, nguồn nhân lực dồi dào, phụ nữ Việt Nam tỉ mỉ, cần cù, Việt Nam có sự ổn định về chính trị… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề khó khăn trong môi trường kinh doanh, nếu không nhanh chóng giải quyết nhà đầu tư sẽ bỏ đi.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc điều hành JETRO, các cơ quan hành chính cần hỗ trợ xây dựng nhanh chóng và hợp lý cơ sở hạ tầng giao thông, điện…, thực hiện cơ chế một cửa, giải đáp thắc mắc thủ tục cấp phép nhanh chóng; cán bộ phụ trách cần hiểu rõ về chế độ và có thể giải thích một cách chắc chắn, rõ ràng. Các chính sách về hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ với DN Nhật Bản cũng chưa được phổ biến một cách rõ ràng. Đây là những rào cản khiến DN Nhật Bản đang gặp khó khăn nhiều nhất.
Bên cạnh đó,các vướng mắc về chính sách thuế cũng gây rủi ro rất lớn cho hoạt động kinh doanh. Cụ thể, những quy định khác nhau trong hệ thống luật hoặc thay đổi đột ngột, hướng dẫn và vận dụng luật không minh bạch, có sự vận dụng khác nhau giữa trung ương và địa phương, các chi cục thuế thanh tra thuế bừa bãi không có lý do thuyết phục…

Vấn đề tăng lương cũng là một gánh nặng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Cho dù về giá trị tuyệt đối thì tiền lương ở Việt Nam vẫn thuộc mức thấp so với các quốc gia khác trong khu vực nhưng chi phí nhân công tại Việt Nam (hiện là 18,3%) vẫn cao hơn của khối ASEAN (16,8%). Năm 2012, chi phí lương đã tăng 19,7% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 17,5% trong năm 2013.
Vì vậy, nếu phân tích kỹ việc thu hút đầu tư đối với các DN Nhật Bản thì hiện Việt Nam đang phải chịu rất nhiều cạnh tranh từ các nước trong khu vực. Cụ thể, theo kết quả điều tra của JETRO, 81,5% DN Nhật Bản lo ngại việc tăng tiền lương cho người lao động. Trong khi đó, lương của công nhân trong ngành sản xuất chế tạo ở Campuchia chỉ bằng một nửa của Việt Nam, nên nếu chỉ xét về tiền lương thì có thể thấy Campuchia là đối thủ nặng ký của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có lộ trình tăng lương phù hợp, vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động, vừa duy trì được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, năng lực, ý thức của người lao động địa phương, chất lượng lao động, khó khăn trong việc tuyển chọn nhân lực làm lãnh đạo cũng là những vấn đề lớn đang tồn tại ở Việt Nam. Có tới 60,5% DN Nhật Bản than phiền về năng lực, ý thức của người lao động tại địa phương, 54,7% DN Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cho vị trí lãnh đạo.
Một rào cản khác mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang phải tháo gỡ là ngành công nghiệp phụ trợ còn quá ít, do đó việc tìm kiếm nguyên liệu, linh kiện ở Việt Nam rất khó. Chi phí mua nguyên liệu, linh kiện chiếm hơn một nửa giá thành sản xuất của các DN Nhật Bản, nên việc giảm chi phí nguyên liệu đang là thách thức chung đối với các DN Nhật Bản.

Hiện, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện của Việt Nam rất thấp, chỉ ở mức 27,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với mức 60,8% của Trung Quốc hay 52,9% của Thái Lan, thậm chí Indonesia cũng đã đạt mức 43,3%. Trong số 158 DN Nhật đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ có 30% thu mua nguồn nguyên liệu từ nội địa.
Trước những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đề xuất chung của các DN Nhật Bản là Việt Nam cần thực thi một cách chắc chắn chiến lược công nghiệp hóa trong 6 lĩnh vực gồm: điện tử, chế biến nông thủy sản, máy móc nông nghiệp, xe hơi và phụ tùng xe hơi, môi trường và tiết kiệm năng lượng, đóng tàu; thực thi một cách triệt để môi trường kinh doanh căn cứ theo sáng kiến chung Việt-Nhật; thực hiện ưu đãi trong những lĩnh vực quan trọng, cơ chế vốn lãi suất thấp cho các DN vừa và nhỏ. Và, quan trọng nhất là cả cơ quan hành chính và DN cần có tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy nguồn nhân tài kinh doanh.

Nguồn Doanh nhân Sài Gòn


Sự kiện