Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: PV.

 
Ngọc Tâm Thứ Ba | 10/12/2024 16:50

Hơn 218.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động

Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có gần 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 11, cả nước có gần 11.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước; có hơn 7.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Ở chiều ngược lại, tháng 11 trên thị trường có 4.243 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 7.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.910 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,9% và tăng 14,2%.

 

Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 218.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân một tháng có gần 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173.200 doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024 nền kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro đáng kể. Chính sách tài chính, tiền tệ nhìn chung vẫn thắt chặt ở nhiều quốc gia, tạo áp lực lên chi phí vay và tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Trung Đông đe dọa, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu. Đồng thời, xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt, thể hiện qua sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, làm suy yếu hợp tác quốc tế cũng như hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những yếu tố này tạo ra một bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược linh hoạt và thích ứng để duy trì tăng trưởng bền vững trong bối cảnh mới.

Trước dự báo tình hình kinh tế còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. 

Ảnh trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: NHNN.
Ảnh trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: NHNN.

Mới đây nhất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và thiên tai sau bão, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định của pháp luật trước thời điểm xảy ra thiên tai đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cùng với việc Thủ tướng quyết định cho phép giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 sẽ góp phần hỗ trợ giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay mới, có thêm năng lực để khôi phục lại sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau thảm họa thiên tai.

Có thể bạn quan tâm 

FDI Trung Quốc: Từ kem que đến xe điện