Trong tháng 5 cả nước còn có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Ảnh: TL

 
Việt Hà Thứ Tư | 29/05/2024 18:08

Hơn 13.200 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, trong tháng 5, cả nước có hơn 13.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,7% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, các con số trên cho thấy một phần bức tranh về tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,7% so với tháng trước, nhưng việc tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng khởi nghiệp vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

 

Ngoài ra, hơn 6.700 doanh nghiệp trở lại hoạt động trong tháng 5 cũng là một tín hiệu tích cực, dù có sự sụt giảm so với tháng trước nhưng lại tăng hai chữ số so với cùng kỳ 2023. Điều này phần nào thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc vượt qua khó khăn. 

Bên cạnh đó, dữ liệu được công bố cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có sự sụt giảm trong tháng 5. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 5, cả nước có 5.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 30,4% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; 4.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,3% và giảm 3,5%; 1.538 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,4% và tăng 25,8%.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ nới lỏng với việc giảm lãi suất điều hành đã giúp giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tăng cường đầu tư, tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, mức độ hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. 

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1% - 5,3% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên tổ chức này cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Có thể bạn quan tâm 

Thách thức của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn