Thứ Năm | 12/07/2012 18:08

Hơn 10.700 khách hàng có nợ gấp trên 3 lần vốn chủ sở hữu

Đến cuối tháng 3/2012, trong hơn 1 triệu khách hàng của 57 TCTD được khảo sát, có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.
Theo cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước, qua khảo sát gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 TCTD của Việt Nam (chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD này), đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các TCTD là hơn 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng .

Thanh tra nhận định, trong bối cảnh dư nợ tín dụng không tăng từ đầu năm 2012 trở lại đây, nợ xấu phát sinh mới chủ yếu là các khoản tín dụng đã được cấp trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh.

Cơ quan này nhận định, chất lượng tín dụng suy giảm là do một số nguyên nhân như:

Thứ nhất, kể từ cuối năm 2008, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sau đó là vấn đề lạm phát cao và hiện nay là suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước, do đó môi trường kinh doanh và hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Trong giai đoạn 2008-2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân 26,56% nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu bình quân 51%. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ năm 2011 chậm lại đáng kể, đặc biệt là 5 tháng đầu năm 2012 dư nợ tín dụng không tăng nhưng nợ xấu tăng tới 45,5% do tình hình kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp suy giảm mạnh.

Thứ hai, khách hàng vay của TCTD có tình hình tài chính suy giảm, kém lành mạnh hoặc kinh doanh thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến điều kiện tài chính, kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011 có 79.014 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động và tính từ đầu năm đến ngày 21/6/2012 có khoảng 25.250 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu nhỏ và khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh hạn chế. Vì vậy, khi môi trường kinh doanh xấu đi, chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt, lãi suất tăng thì các doanh nghiệp dễ gặp khó khăn về khả năng trả nợ.

Theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, đến cuối tháng 3/2012 trong hơn 1 triệu khách hàng được chọn mẫu khảo sát tại 57 TCTD của Việt Nam có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.

Thứ tư, hầu hết các TCTD theo đuổi chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro của TCTD còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, đặc biệt là các NHTMCP chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng.

Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng và nhiều TCTD tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn bất động sản. Khi các lĩnh vực này, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng và giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu cho vay lĩnh vực này tăng nhanh.

Trước tình hình này, NHNN đề ra một số giải pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ nhất, TCTD chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ.

Thứ hai, TCTD tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn.

Thứ ba, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển thông qua ban hành và triển khai có hiệu quả các quy định, chính sách về mua bán nợ.
  
Thứ tư, Bộ Tài chính chủ trì việc triển khai ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn NHTM. Trường hợp cần thiết, xem xét, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các điều kiện, thủ tục bảo lãnh  để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng.

Thứ năm, triển khai các giải pháp sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước gắn với việc xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp này.

Thứ sáu, các Bộ, ngành và địa phương có giải pháp khẩn trương hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi nhanh, quản lý chặt chẽ và bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh.

Nguồn DVT/SBV


Sự kiện