Hôm nay, quyết định số phận của “siêu lừa” Huyền Như
8h sáng nay (7/1), Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM sẽ đưa ra phán quyết cấp phúc thẩm đối với vụ án “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm. Đây sẽ là bản án có hiệu lực pháp luật đối với vụ lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm do TAND TP HCM xét xử, cơ quan tố tụng đã nhận được 60 kháng cáo, 1 kháng nghị liên quan đến các vấn đề của vụ án.
Trong số các kháng cáo, đáng chú ý là kháng cáo xem xét lại quyền sở hữu căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng ở Quảng Nam mà bà Nguyễn Thị Lang – mẹ của “siêu lừa” Huyền Như. Bà Lang cho rằng, căn nhà này thuộc quyền sở hữu của bà này chứ không phải của Huyền Như.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm kéo dài gần 2 tuần, khi HĐXX xem xét vấn đề liên quan đến kháng cáo đòi biệt thự thì bà Lang bất ngờ vắng mặt.
Theo diễn biến và quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện cơ quan giữ quyền công tố đã bác kháng cáo của hai ngân hàng ACB và Navibank. Công tố viên đồng thời cũng đề nghị hủy một phần bản án liên quan đến 5 công ty: An Lộc, Phương Đông, SBBS, Hưng Yên… để điều tra lại.
Đại diện VKS cho rằng, liên quan đến hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng tại 5 công ty này, Huyền Như đã có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên, quan điểm của VKS bị hàng loạt luật sư của Vietinbank, luật sư bào chữa cho Huyền Như bác bỏ.
Còn luật sư của hai ngân hàng: ACB, Navibank cho rằng, quan điểm của VKS đối với hành vi lừa đảo của Huyền Như là “chẻ đôi một hành vi phạm tội”.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Huyền Như bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án chung thân cho hai tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cá nhân, tổ chức. Phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như không có kháng cáo.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan của các bị cáo là cựu nhân viên của Ngân hàng Vietinbank bị tòa sơ thẩm quy kết các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phần tranh luận, VKS đã bác đa số các kháng cáo, tuy nhiên khi bổ sung ý kiến tại phần đối đáp, VKS lại đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của các bị cáo.
Trong vụ án này, hai bị cáo: Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình) và Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP HCM) - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hai bị cáo này bị quy kết tội Cho vay lãi nặng, trong đó Tuyết Dung còn bị quy kết thêm tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Huyền Như.
VKS bác kháng cáo của Tuyết Dung, đồng ý với kháng nghị của VKS Nhân dân TP HCM, đề nghị HĐXX tăng nặng hình phạt đối với bà trùm cho vay lãi nặng Đào Thị Tuyết Dung.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương bị quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, VKS bác kháng cáo và đề nghị giữ nguyên mức án 14 năm tù giam.
Nguồn VOV