Thứ Sáu | 20/06/2014 14:51

Hôm nay giàn khoan Nam Hải 9 sẽ vào sát vùng biển của Việt Nam

Hiện lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ mọi động thái liên quan tới diễn biến khó lường này.
Bản tin mới nhất trên Channel News Asia vừa cho biết Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Nam Hải 9 hôm nay sẽ được hạ đặt tại sát vùng biển Việt Nam trên Biển Đông sau khi di chuyển về phía đông nam ngày hôm qua. Trước đó, Cảnh sát biển Việt Nam từng khẳng định tọa độ giàn khoan Nam Hải 9 nằm ở phía nam Du Lâm (một căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam), cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý.

Đường đi của giàn khoan Nam Hải 9. Ảnh: Channel News Asia
Đường đi của giàn khoan Nam Hải 9. Ảnh: Channel News Asia


Theo dự đoán của bà Holly Morrow, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Dự án địa chính trị năng lượng tại Trung tâm các vấn đề quốc tế và khoa học Belfer thuộc Đại học Harvard (Mỹ) trên tờ New York Times, tọa độ cuối cùng của Nam Hải 9 có thể sẽ nằm trên, hoặc sát với đường trung tuyến trên biển giữa Việt Nam và đảo Hải Nam.

Hiện tại, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển - sáng 20/6 khẳng định trên Dân Trí rằng lực lượng này sẽ giám sát chặt chẽ mọi diễn biến mới của Nam Hải 9.

Khu vực mà Nam Hải 9 hoạt động thuộc vùng cửa Vịnh Bắc Bộ vốn còn tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc khi chưa có phân định chính thức. Tại đây, hai bên đang sử dụng đường trung tuyến bờ - bờ (mỗi nước lấy một điểm trong bờ đối ứng nhau và chia đôi khoảng cách). Theo đó, một trong hai bên phải thông báo cho bên còn lại về các hoạt động ngay khi có kế hoạch. Song, Trung Quốc đã tự ý đơn phương thực hiện. Hành động này bị Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định trên Tuổi trẻ là khiêu khích, tỏ thái độ nước lớn, một cách cư xử không đàng hoàng, tử tế.

Đồng quan điểm, bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ) nhận định rằng thời điểm đưa giàn khoan thứ 2 vào Biển Đông đã được Bắc Kinh tính toán kỹ lưỡng và thể hiện Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ “chủ quyền theo phương thức cưỡng bức”.

Trong khi đó, giàn khoan thứ nhất của Trung Quốc mang tên Hải Dương 981 vẫn đang hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam và được sự bảo vệ của một lực lượng đông đảo tàu thuyền, máy bay, trong đó có cả loại quân sự. Tại Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức sáng nay tại Đà Nẵng, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng vấn đề này cần được đưa ra bàn luận ở cấp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thanh Niên dẫn lời ông Thayer cho biết: Nếu Trung Quốc từ chối có một phiên tranh luận về giàn khoan Hải Dương 981 thì chính nước này sẽ tự hủy hoại nỗ lực dùng Liên Hợp Quốc cho mục đích tuyên truyền của mình.

Nguồn Sống mới


Sự kiện