Thứ Tư | 30/03/2016 11:30

Holding Châu Á dậy sóng trên đất Việt

4 tập đoàn lớn của Thái Lan, Hàn Quốc và Philippines đang bành trướng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, tạo nên những niềm vui xen lẫn sự quan ngại.

Chưa bao giờ “trận đồ” sở hữu tài sản của các ông lớn Việt Nam và quốc tế lại rõ ràng như lúc này. Những cái tên trong nước như Vingroup, Sovico, Hoàng Anh Gia Lai, CII, Masan, PAN, Quang Dũng, Hùng Vương… đã trở nên khá quen thuộc và được chú ý bởi những nước cờ chiến lược lớn, theo mô hình kinh doanh “holding” (tập đoàn đa ngành có chức năng huy động vốn, giải ngân vào các công ty con cùng ngành hoặc khác ngành theo phương thức tự sở hữu hoặc M&A).

Các holding quốc tế cũng đang hiện diện tại đây để chia sẻ chiếc bánh ngon lành của thị trường. Tính đến giờ phút này, nổi bật nhất tại Việt Nam là 4 holding có “máu mặt” đều có nguồn gốc từ châu Á: Tập đoàn CJ của Hàn Quốc (thực phẩm, công nghệ sinh học, giải trí, mua sắm tại nhà và logistics), Tập đoàn SCG của Thái Lan (xi măng, vật liệu xây dựng, nhựa), Tập đoàn Central Group của Thái Lan (bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, bất động sản) và Tập đoàn Ayala của Philippines (cấp nước, viễn thông, bất động sản, ngân hàng).

Holding bành trướng, thay đổi cục diện

Có những khác biệt lớn nếu so sánh giữa các holding Việt Nam với các đại diện của châu Á trên cùng sân chơi này. Trong khi các holding Việt Nam còn non trẻ, vừa hình thành không lâu sau chu kỳ kinh tế “lên ngôi” của ngân hàng, bất động sản một thập kỷ qua thì các holding châu Á như CJ, SCG, Central Group và Ayala đều có lịch sử lâu đời, tính truyền thống sâu sắc, mô hình kinh doanh định vị rõ nét và giá trị vốn hóa lớn. Nếu cộng giá trị vốn hóa của nhiều holding Việt Nam thì đôi khi chỉ mới bằng giá trị một holding châu Á, kiểu như Ayala.

Bên cạnh đó có thể thấy, trong khi một vài holding nội địa “say mê” việc mua lại nhiều công ty khác nhau một cách tản mác, đa ngành, với mong muốn phình to quy mô tập đoàn hay khai thác lợi nhuận nhanh chóng thì các holding tư bản châu Á hiểu rõ nước cờ lâu dài khi “khai thác” doanh nghiệp bản địa.

Myanmar là quốc gia dẫn đầu về môi trường đầu tư có khả năng thu hút trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cũng không kém cạnh khi xếp thứ 3 sau quốc gia này và Indonesia. Chính thứ hạng này đã “kích thích” và làm gia tăng mạnh mẽ tham vọng thâm nhập của các holding châu Á vào Việt Nam trong suốt 5 năm qua và càng trở nên mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam đang tạo nên một làn sóng hấp dẫn từ tiến trình cổ phần hóa công ty nhà nước (có 222 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần trong năm 2015 và dự kiến 174 doanh nghiệp nữa trong 5 năm tới). Bên cạnh đó còn là một lượng lớn doanh nghiệp tư nhân đang loay hoay tăng trưởng và có thể sẵn sàng chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một lợi ích khác mà các holding nước ngoài thấy được là “giá bán” của các doanh nghiệp Việt Nam không quá đắt so với hầu bao của họ và với chính tiềm năng của doanh nghiệp bán. Nếu một quỹ đầu tư nào đó đầu tư vào một công ty Việt Nam, sau khi thoái vốn bán cho một holding nước ngoài thì giá trị thoái vốn chỉ khoảng gấp 5 đến 10 lần EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao), thấp hơn nhiều so với những công ty châu Á khác cùng ngành. Điều này cũng có nghĩa các holding nước ngoài có thể mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt từ các quỹ đầu tư với giá “rất phải chăng”!

Hiện nay, 4 holding lớn của châu Á đang nhắm đến việc mua cổ phần chi phối nhiều doanh nghiệp nội địa, dự báo có thể làm thay đổi cục diện sở hữu ngành nghề nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Holding Chau A day song tren dat Viet
CJ tuyên bố, họ đang có kế hoạch đổ vốn mạnh mẽ trong năm 2016, với giá trị có thể ngang bằng tổng giá trị đầu tư 5 năm trước đó cộng lại. - Ảnh: bmbsteel.com.vn

Chẳng hạn như CJ tuyên bố, họ đang có kế hoạch đổ vốn mạnh mẽ trong năm 2016, với giá trị có thể ngang bằng tổng giá trị đầu tư 5 năm trước đó cộng lại. Được biết, tổng giá trị đầu tư trong 5 năm này (2011-2015) vào khoảng 400 triệu USD. Cuộc chạy đua “sở hữu cổ phần” cùng holding nội địa là Masan vào Công ty Vissan cách đây vài ngày dù không thành công (Masan đã “bỏ giá” cao hơn CJ trong thương vụ cổ phần hóa Vissan), nhưng điều này cho thấy tham vọng lớn của tập đoàn Hàn Quốc trong lĩnh vực thực phẩm. Đây cũng là một kinh nghiệm xương máu để CJ gia tăng sức mạnh quyết liệt trong các thương vụ sau này.

Với mảng thực phẩm đang tạo mức tăng trưởng bình quân cao đến 86% và với việc CJ từng mua lại công ty Việt Nam chuyên sản xuất kim chi (Công ty Kim&Kim), không có lý do gì để họ bỏ qua cuộc chơi rất hấp dẫn này sau khi vuột mất Vissan. Tham vọng của CJ lớn hơn nhiều khi họ đang rất thành công trong lĩnh vực thức ăn gia súc, nên việc sở hữu một công ty thực phẩm nào đó, CJ sẽ có thể hiện thực hóa chiến lược cung cấp sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”.

Không chỉ trong trường hợp của CJ với các động thái bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam, 3 holding châu Á nổi bật khác là SCG, Ayala và Central Group. SCG và Ayala đang nỗ lực thống lĩnh ngành nhựa và hạ tầng nước tại đây, còn Central Group không ngần ngại bắt đầu những bước đi tương tự trong ngành bán lẻ.

Trong những bước đi điềm tĩnh, trầm lặng và tập trung, SCG đã dần hiện diện sở hữu của họ trong khoảng 20 công ty thuộc ngành nhựa và vật liệu xây dựng Việt Nam. Điều này tạo ra phỏng đoán rằng tập đoàn 103 tuổi này đã “chào mua” hoặc “chấp nhận mua” cổ phần các công ty nhựa nội địa non trẻ Việt Nam với một mức giá “đáng khích lệ”, với tham vọng bá chủ.

Ngay cả các công ty hùng mạnh như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, không rõ vì sức ép cạnh tranh, hay do kế hoạch huy động vốn quốc tế từ trước, cũng đã về tay SCG. Holding của Thái Lan này tiếp tục tạo ra công ăn việc làm cho người lao động bản địa, đóng thuế nhà nước. Và ngược lại, chỉ tính riêng kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong cũng đủ làm nức lòng nhà đầu tư. Chẳng hạn, với lợi nhuận trong năm 2015 tăng hơn 40% so với năm 2014 (khoảng 650 tỉ đồng), ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, cho biết: “Chúng tôi đã có một năm kinh doanh hết sức thành công”.

Giới kinh doanh thì quan ngại ngành nhựa đang nhanh chóng về tay quốc tế. Trong khi đó, một số ý kiến trong ngành cho rằng, ngành nhựa chưa phải là thế mạnh vượt trội của Việt Nam và để vươn xa, những cuộc M&A quốc tế là điều dễ xảy ra, đặc biệt khi Thái Lan có năng lực vượt trội trong lĩnh vực này.

Tương tự như vậy với Ayala, một gia tộc 200 năm hùng mạnh với tài sản gần 9 tỉ USD của Philippines từng có hàng loạt khoản đầu tư lớn vào các công ty cấp nước ở TP.HCM như Công ty Nước BOO Thủ Đức, Công ty Nước Kênh Đông, Công ty Nước Sài Gòn - Pleiku, Công ty Đầu tư Hạ tầng Vietnam - Philippines. Vào những tháng cuối năm 2015, Ayala phát đi thông điệp rằng họ đã đầu tư hơn 4 triệu USD vào công ty con Manila Water tại Singapore và Công ty sẽ dùng nguồn tiền này tiếp tục đầu tư vào các dự án ở Việt Nam trong thời gian tới đây. Ayala cũng được xem là “holding của holding” khi còn trở thành cổ đông lớn trong một holding nội địa Việt Nam là CII Holding (kinh doanh hạ tầng giao thông, sản xuất nước sạch và bất động sản).

Có thể thấy rõ, ở thời điểm hiện tại, CJ quyết liệt giành chiến thắng trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, SCG thừa thắng xông lên giữ tiếp ngọn cờ đầu trong ngành nhựa và vật liệu xây dựng, Ayala tiến công mạnh mẽ trong ngành nước và hạ tầng cơ sở và Central Group đang vất vả với giấc mơ “cầm cương” ngành bán lẻ. Đây cũng được xem là 4 nhóm ngành hấp dẫn nhất của chu kỳ kinh tế mới của Việt Nam mà các holding châu Á dễ dàng nhận ra.

Không thua kém gì 3 holding châu Á còn lại, Central Group, tập đoàn hàng đầu ngành bán lẻ của Thái Lan, là một câu chuyện dài hơi. Thời gian này (tháng 3.2016), Central Group đang nỗ lực vươn đến vị trí dẫn đầu ngành bán lẻ khi quyết liệt đấu thầu cùng một “đồng hương” khác là TCC Holding và người hùng xứ hoa anh đào Aeon để giành lấy sở hữu của BigC - hệ thống bán lẻ quốc tế tại Việt Nam, đứng thứ 2 sau thương hiệu bán lẻ nội địa Co.opmart. Dù kết quả thương vụ chưa ngã ngũ, nhưng trước mắt cho thấy Central Group rất hăng say trong mặt trận này, với một thị trường đang nóng lên cùng sự mở rộng mạnh mẽ các chuỗi bán lẻ nội địa như Co.opmart, Vinmart và hàng loạt chuỗi quốc tế hùng hậu như Aeon Mall (tốp đầu nước Nhật), E-Mart (tốp đầu Hàn Quốc), TCC Holding (tốp đầu Thái Lan).

Holding Chau A day song tren dat Viet
Ngay khi vào Việt Nam, Central Group cũng đã mua cổ phần lớn trong hệ thống bán lẻ điện máy hàng đầu miền Nam là Nguyễn Kim - Ảnh: Wikipedia

Thực chất, ngay khi vào Việt Nam, Central Group cũng đã mua cổ phần lớn hệ thống bán lẻ điện máy hàng đầu miền Nam là Nguyễn Kim và đặt vấn đề M&A với tỉ lệ 49% với Pico (chuỗi bán lẻ điện máy dẫn đầu miền Bắc) nhưng thương vụ với Pico không thành công. Giả như thương vụ với Pico thành công thì lúc này Central Group đã dẫn đầu ngành bán lẻ điện máy. Hãy chờ xem những động thái tiếp theo của Central Group với rất nhiều các chuỗi bán lẻ nội địa đang đang “lượn lờ” xung quanh.

Hậu M&A, các holding “ra tay”

Câu hỏi đặt ra lúc này là sau khi thực hiện những thương vụ M&A với nhiều công ty Việt Nam, 4 holding châu Á này sẽ làm gì?

Những dấu hiệu gần nhất cho thấy, sau M&A, các holding châu Á dường như đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu cơ bản của chính doanh nghiệp đó và bước đầu tạo nên những giá trị gia tăng về mặt kinh doanh, cũng như năng lực quản trị, điều hành.

Ở SCG, sau gần 5 năm chinh phục ngành nhựa, những công ty như Nhựa Bình Minh và Tiền Phong “dưới trướng” holding này có nhiều cải thiện về mặt kinh doanh (như đã đề cập ở trên). Ngay cả trong thương vụ mới nhất của SCG với Công ty Nhựa Tín Thành hồi năm 2015, những người chủ của Tín Thành lúc này rất lạc quan vì sự trợ lực của SCG trong việc triển khai các thị trường mới và đặc biệt là thị trường Thái Lan trong thời gian tới.

Ở Central Group, họ đang cùng ban lãnh đạo Nguyễn Kim hoàn thành tham vọng 50 siêu thị trong năm 2019, so với khoảng 20 siêu thị thời điểm hiện tại. Dĩ nhiên, holding này cũng đang đẩy mạnh chuỗi bán lẻ điện máy và trung tâm với thương hiệu sẵn có của họ là Robins tại Hà Nội và TP.HCM. Chưa thấy có một dấu hiệu gì về mối liên hệ của Robins trên hệ thống Nguyễn Kim.

Ở Ayala, sau khi trở thành đối tác chiến lược của Công ty CII, lãnh đạo CII cho biết, Ayala đã có những hoạt động tư vấn đáng kể trong chiến lược phát triển các dự án cấp nước của công ty này. Một số các công ty khác Ayala đầu tư vào thuộc công ty cổ phần chưa niêm yết nên các con số tài chính chưa được công bố.

Và dĩ nhiên, “đại gia” CJ sẽ có thể tiếp tục quay lại nước cờ M&A sau thương vụ Vissan. Động thái này có lẽ cần thêm thời gian, khi Vissan nới thêm room cho nhà đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên, trong thương vụ mua lại Công ty Kim&Kim của Việt Nam (tháng 1.2016), CJ cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì thương hiệu kim chi Ông Kim’s và mang những công nghệ mới để giúp sản phẩm này cải tiến tốt hơn.

Trần Trọng Tú