Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ảnh: TL.
Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”
Chương trình đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án (Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế) và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục được đẩy mạnh phát triển và đạt được những kết quả nhất định. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, ngành ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch tức thời của người dân, doanh nghiệp.
Đến hết năm 2023, toàn Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng; nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 4 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.
Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng. Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện hàng trăm tin, bài, phóng sự truyền hình hoặc tổ chức các chương trình, sự kiện trong đó có nội dung phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Về phía các tổ chức tín dụng cũng thường xuyên, liên tục thực hiện công tác truyền thông tới khách hàng về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking.
Có thể bạn quan tâm
5 tháng, Ngân sách Nhà nước thu 50.000 tỉ đồng tiền thuế từ thương mại điện tử