Hội nhập kinh tế: Nước đã đến cổ, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng?
Chỉ còn 2 ngày nữa là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực nhưng lại có đến 85,5% doanh nghiệp Việt Nam nói rằng họ không nắm được các điều khoản cụ thể của AEC, và có đến 56,8% thậm chí còn chưa biết đến và không quan tâm đến AEC.
Đây là kết quả khảo sát Nhận thức hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam của trường doanh nhân PACE, được công bố vào ngày 28/12. Cuộc khảo sát được thực hiện trên gần 500 doanh nhân, trong đó lãnh đạo cấp cao chiếm 82,7%, quản lý cấp trung là 9,9% và các cấp bậc khác là 7,4%.
Điều đáng lo nhất từ khảo sát là doanh nghiệp Việt vẫn đang rất thờ ơ và thiếu hiểu biết về các hiệp định tự do thương mại, không riêng gì AEC mà còn với cả TPP và WTO.
Theo đó, có tới 40,9% doanh nghiệp không quan tâm đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và 33,4% doanh nghiệp còn không biết đến Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho dù Việt Nam đã gia nhập WTO từ lâu.
Đặc biệt, TPP dù đang là đề tài được cả thế giới quan tâm, nhưng tại Việt Nam lại có tới 86,1% doanh nghiệp trả lời sai về năm Việt Nam tham gia đàm phán là 2010, và 56,6% trả lời sai về năm TPP dự định hoàn tất đàm phán là 2015. Đặc biệt, có tới 57% doanh nghiệp Việt Nam không biết một trong những nội dung quan trọng của TPP là cắt giảm hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Nhìn chung, mức độ nhận thức của các doanh nghiệp về hội nhập còn thấp. Nếu so với các nước trong khu vực, thì nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam còn thua xa cả Lào, Campuchia và Myanmar. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) năm 2013, tại Việt Nam có đến 76% doanh nghiệp được hỏi không biết đến AEC, chênh lệch rất lớn so với con số 26% ở Campuchia, 28% ở Lào và 36% ở Myanmar.
Trong khi đó, các hiệp định thường được tiến hành đàm phán trong một thời gian dài và đi theo tiến trình nhất định, nên những doanh nghiệp muốn có sự chuẩn bị chu toàn để hưởng lợi từ các hiệp định cần tìm hiểu từ lúc Hiệp định mới ở vòng bắt đầu. Như trường hợp của Thái Lan, trước khi AEC chính thức có hiệu lực, có gần 2.000 doanh nghiệp Thái đã tranh thủ đăng ký đầu tư với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam.
Đánh giá về vấn đề này, ông Giản Tư Trung hiện là hiệu trưởng trường doanh nhân PACE cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn là do người Việt không có tâm thế chủ động trong hội nhập. “Việt Nam cần thoát khỏi tâm thế đối phó sang tâm thế chinh phục thì nền kinh tế mới có chuyển biến tốt được”, ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng đã tới lúc các doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện công tác quản trị, có công nghệ tốt hay nội lực doanh nghiệp phải mạnh để cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sắp tới.
Ông cũng nhận định rằng đa phần các doanh nghiệp Việt hiện có quy mô vừa và nhỏ, nên cũng sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế nhất định khi đầu tư vào thị trường ngách và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Đinh Hạnh