Hội nhập ATIGA: Dưới góc nhìn của người sử dụng đường
Bài toán giữa cung – cầu
Theo báo cáo của LMC Sugar & Sweeteners Market Report tháng 6/2019, thị trường đường thế giới dự báo sẽ chuyển từ thặng dư 2,6 triệu tấn niên độ 2018 - 2019 sang thâm hụt 3,1 triệu tấn niên độ 2019 - 2020; riêng khu vực châu Á sẽ thâm hụt đến 9,5 triệu tấn. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển ngành đường là rất lớn với tổng nhu cầu tiêu thụ đường hiện khoảng 1,7 triệu tấn, và theo dự báo, nhu cầu sử dụng đường tại Việt Nam sẽ tăng lên 2,1 – 2,2 triệu tấn vào năm 2025.
Nghịch lý là cầu tăng nhưng cung vẫn chưa đủ đáp ứng. Việt Nam hiện nay có 37 nhà máy đường, sản xuất bình quân 140.000 tấn mía/ngày, niên vụ 2016 - 2017 sản xuất hơn 1,2 triệu tấn đường (chiếm khoảng 0,74% tổng sản lượng đường của thế giới). So với nhu cầu tiêu thụ thì vẫn còn thiếu hụt đáng kể, và trong bối cảnh như hiện nay giá đường chắc chắn tăng, kỳ vọng sẽ đạt mốc khoảng 234 USD/tấn (tương đương 5.600 VNĐ/kg) vào đầu năm 2020.
Doanh nghiệp sử dụng đường đang chịu “sức ép kép”
Giá đường của thế giới và giá đường Việt Nam có sự chênh lệch khoảng từ 1.000 VNĐ - 4.000 VNĐ/kg tùy từng thời điểm. Với một Doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo quy mô trung bình tiêu thụ 1 năm khoảng 7.000- 10.000 tấn đường, chi phí đầu vào tính ra chênh lệch rất lớn. Đại diện của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, hiện nay đường Thái Lan vào Việt Nam chỉ bán với giá 8.000 VNĐ - 8.500 VNĐ/kg, trong khi giá thành sản xuất của nhiều nhà máy đường tại Việt Nam trên 11.000 VNĐ/kg. Vì vậy, nếu không hội nhập ATIGA, các Doanh nghiệp ít có cơ hội lựa chọn, khiến các Doanh nghiệp như Vinamilk chịu “sức ép kép” khi vừa phải chịu chi phí đầu vào cao, vừa phải cạnh tranh về giá bán sản phẩm với các Doanh nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Malaysia có sử dụng đường kính với giá thấp hơn.
Ngành mía đường Việt Nam có sức cạnh tranh kém. |
Đó là lý do mặc dù các nhà máy sản xuất đường trong nước đang gặp khó khăn đối với đầu ra nhưng Doanh nghiệp tiêu thụ đường (sản xuất bánh kẹo, nước giải khát...) như Vinamilk, Bibica, Kinh Đô... từng đề nghị Bộ Công Thương cho nhập khẩu hơn 270.000 tấn đường.
Thái Lan chiếm lĩnh thị trường đường nhập khẩu của Việt Nam trong khối ASEAN. |
Khi ATIGA có hiệu lực, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu sẽ giúp Doanh nghiệp sử dụng đường Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn nguồn cung cấp nguyên liệu đường có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. “Giá cả và chất lượng nguyên liệu đường tốt sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng đường giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho thương hiệu Việt”, đại diện của Bibica nhận định.
Có thể thấy, dù ủng hộ ngành đường trong nước nhưng đa số các Doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát đều cho rằng việc thực thi ATIGA như một công cụ để sàng lọc và cải tổ ngành mía đường, là động lực thúc đẩy các Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tăng năng suất cây mía; đầu tư vào chế biến để thay đổi công nghệ; đầu tư cho quản trị Doanh nghiệp để tiết giảm chi phí , nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhà nước không thể cứ mãi lãng quên quyền lợi người tiêu dùng vì đây mới là đối tượng tạo sức mua, tạo vòng quay tăng trưởng cho nền kinh tế.
ATIGA là sức ép tích cực để ngành mía đường trong nước đổi mới
Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, Thủ Tướng Chính phủ đã chấp thuận cho lùi thời hạn thực thi này 2 năm để Doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian chuẩn bị. Cam kết này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Ở góc độ quản lý, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước ASEAN. Đến 1/1/2020, nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao sẽ bị trừng phạt thương mại. Ngoài ra, nếu trong trường hợp vi phạm, trong 90 ngày Việt Nam sẽ bị "trả đũa" ngay theo quy định ở hiệp định. “Nếu bây giờ chúng ta tiếp tục xin gia hạn nhưng ngành vẫn chưa thể mạnh lên, liệu có được không”, ông Thái đặt vấn đề.
Thời gian hoãn ATIGA 2018 – 2019 đã tạo cơ hội cho các Doanh nghiệp mía đường Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị trước thềm hội nhập. Một số Doanh nghiệp mía đường đã chủ động tiến hành đầu tư một cách đồng bộ từ phát triển vùng nguyên liệu mía, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả chế biến, tối ưu chi phí logistic, tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm ngành,… để có được sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các Doanh nghiệp đường không chỉ giúp những Doanh nghiệp sử dụng đường trong nước có thêm nhiều cơ hội kinh doanh, mà còn giúp Doanh nghiệp đường có thể chủ động và tự tin đón đầu ATIGA. Từ đó, các Doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau tiến ra sân chơi lớn trong khu vực.
Có thể thấy, từ câu chuyện của các Doanh nghiệp sản xuất có sử dụng đường, ATIGA đã tạo một sức ép không nhỏ buộc phải cải tổ ngành mía đường Việt Nam hiện nay. Đồng thời cũng cho thấy, việc gia nhập, thực thi ATIGA đối với ngành này là phù hợp xu thế phát triển chung của Doanh nghiệp Việt Nam.