Hội nghị Kinh tế tiêu dùng: Xu hướng tiêu dùng - Thập kỷ tương lai do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Ảnh: NCĐT.

 
Kim Anh Thứ Năm | 10/08/2023 21:12

Hội nghị Kinh tế tiêu dùng: Xu hướng tiêu dùng - Thập kỷ tương lai

Ngày 10/8, Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đã tổ chức thành công Hội nghị Kinh tế tiêu dùng: Xu hướng tiêu dùng - Thập kỷ tương lai.

Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á, Việt Nam đang chứng kiến sự lớn mạnh vượt bậc ở nhiều lĩnh vực, trong đó gây khá nhiều chú ý là lĩnh vực tiêu dùng. Thời kỳ dân số vàng hiện nay ở nước ta tạo nên những điều kiện kinh doanh rất hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên đi cùng với sự tăng trưởng về quy mô của toàn thị trường, lĩnh vực tiêu dùng cũng chịu áp lực vô cùng lớn từ việc phải liên tục thay đổi, nhằm bắt kịp nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của các đối tượng khách hàng. 

Người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên thông thái hơn, đòi hỏi cao hơn và tận dụng công nghệ ngày càng hiệu quả trong hoạt động mua sắm cho bản thân cùng gia đình. Vậy thì đâu là những xu hướng cụ thể nhất và đâu là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất sẽ tác động lên toàn ngành tiêu dùng nhanh của Việt Nam trong thập kỷ tới? 

5 yếu tố chính thay đổi xu hướng tiêu dùng 

Chia sẻ tại Hội nghị, bà La Ngọc Việt Thương, Giám đốc Điều hành, Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam đã chỉ ra 5 yếu tố chính sẽ có tác động đến sự tăng trưởng kinh tế cũng như thay đổi xu hướng tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: Cơ cấu dân số lao động, các mô hình bán lẻ, sự bùng nổ của kinh tế số, mức sống của người dân và hệ sinh thái tài chính. 

Cụ thể, theo đại diện của Cimigo Việt Nam, Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công tương đối rẻ, từ đó hỗ trợ rất nhiều cho ngành phát triển sản xuất nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. 

Thứ hai, đối với các mô hình bán lẻ, dữ liệu từ Cimigo cho thấy, trên cả nước đang có hơn 9.000 cửa hàng thuộc mô hình bán hàng hiện đại, chiếm hơn 26% tổng doanh thu của ngành bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, ngành bán lẻ còn chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử với 7,3% tổng doanh thu của ngành bán lẻ Việt Nam. Thương mại điện tử có sự bùng nổ sẽ mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Dự báo đến năm 2028, thị phần của thương mại điện tử có thể đạt trên 20% tương tự như các cửa hàng hiện đại. 
Thứ ba, sự bùng nổ về kinh tế số cũng được đánh giá sẽ có tác động thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân liên tục và nhanh chóng.

bà La Ngọc Việt Thương, Giám đốc Điều hành, Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam
Bà La Ngọc Việt Thương, Giám đốc Điều hành, Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam. Ảnh: NCĐT. 

Thứ tư, số liệu của Cimigo cũng cho thấy trên cả nước hiện có 6 triệu hộ gia đình có thu nhập trên 1.000 USD/tháng, tăng 378% so với năm 2017. Khi tỉ lệ sinh giảm, dân số hộ gia đình giảm, mức sống của người dân lại tăng lên. Vì thế, người tiêu dùng có xu hướng sẵn sàng chi trả nhiều hơn và họ có khả năng để thoải mái chi tiêu hơn.

Và cuối cùng là hệ sinh thái tài chính sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Số liệu từ Cimigo, 70% người trưởng thành ở Việt Nam đang sử dụng dịch vụ tại ngân hàng. Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là trong mảng tín dụng. Khi xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng, thì hình thức thanh toán mới là ví điện tử cũng có sự tăng trưởng như thế.

“Vòng lặp vô hạn” ở TikTok Shop 

Báo cáo sàn thương mại điện tử của Metric cho thấy, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) trong nửa đầu năm 2023 tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2023, TikTok Shop đã “vượt mặt” Lazada và trở thành sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ đứng sau Shopee. 

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Giang Nguyễn, Giám đốc Cao cấp ngành hàng Làm đẹp và Chăm sóc Sức khỏe, TikTok Shop Việt Nam đã có những bật mí đằng sau sự bùng nổ này của TikTok Shop. 

Đại diện của TikTok Shop Việt Nam cho biết, năm 2020 TikTok có tổ chức một chiến dịch lớn trên toàn cầu với hashtags #Tiktokmademebuyit và đạt được 20 tỉ view cùng nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó có 74% người dùng chia sẻ rằng họ rất vui khi tham gia chiến dịch và họ đã tìm được rất nhiều sản phẩm cũng như là nhãn hàng. 66% người dùng đã quyết định mua hàng ngay trong chiến dịch và 67% người dùng chia sẻ rằng họ lên TikTok để xem các nội dung livestream và họ bị thúc đẩy mua hàng trong khi họ không có nhu cầu mua hàng. 

bà Giang Nguyễn, Giám đốc Cao cấp ngành hàng Làm đẹp và Chăm sóc Sức khỏe, TikTok Shop Việt Nam. Ảnh: NCĐT.
Bà Giang Nguyễn, Giám đốc Cao cấp ngành hàng Làm đẹp và Chăm sóc Sức khỏe, TikTok Shop Việt Nam. Ảnh: NCĐT.

Theo bà Giang, với một hành trình mua hàng truyền thống như hiện tại, thì người dùng sẽ tìm hiểu về nhãn hàng, sau đó tiếp tục tìm hiểu về các sản phẩm cũng như lợi ích của sản phẩm và kết thúc hành trình mua hàng của mình trên một đường thẳng. Với hành trình này thì các nhãn hàng phải thiết lập nhiều chương trình, các chiến dịch hơn để tiếp cận với người dùng. 

Trong khi đó, hành trình mua sắm của trên TikTok lại là một vòng tròn vô hạn không có điểm dừng. Ở TikTok, người tiêu dùng sẽ khám phá một sản phẩm của một thương hiệu nào đó, sau đó họ cân nhắc đến việc mua hàng, thực hiện hành vi mua sắm, sau đó đánh giá sản phẩm và phần đánh giá sản phẩm này sẽ được viral cho những người tiêu dùng khác, và người dùng khác sẽ tiếp tục khám phá về sản phẩm, khám phá về nhãn hàng và cân nhắc cũng như là quyết định mua hàng. Do đó, đây được gọi là vòng lặp vô hạn cho một hành trình mua hàng của người dùng.

Bà Giang chia sẻ thêm, TikTok Shop là một giải pháp thương mại điện tử mà ở đó người dùng sẽ xem các livestream, video và thực hiện hành vi mua hàng của mình ngay trên nội dung của livestream và video đó bằng "một cú click", sau đó thực hiện thanh toán và chờ nhận hàng, và thông thường là từ 2-3 ngày.

Rõ ràng, sự thay đổi cấu trúc dân số và mức sống của người dân đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành tiêu dùng. Và để nắm bắt “thời vận” đó, thì lĩnh vực công nghệ nên được đặt là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, tại Phiên Tọa đàm Tiếp thị “đa vũ trụ”: Cho Gen X đến Gen Z, các diễn giả là lãnh đạo những doanh nghiệp uy tín bao gồm Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo Việt Nam, ShopBack Vietnam, TikTok Shop Việt Nam và Công ty Tư Vấn & Nghiên Cứu Thị trường Anh Mỹ đã có những chia sẻ sâu rộng về hành vi tiêu dùng của thế hệ gen Z cũng như ảnh hưởng và tương lai của “video ngắn” và “KOL” trong tiếp thị tiêu dùng.

Phiên Tọa đàm Tiếp thị “đa vũ trụ”: Cho Gen X đến Gen Z. Ảnh: NCĐT.
Phiên Tọa đàm Tiếp thị “đa vũ trụ”: Cho Gen X đến Gen Z. Ảnh: NCĐT.

Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đều phải cạnh tranh để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, thì sự sáng tạo trong cách thức tiếp thị, sao cho chạm đến cảm xúc của khách hàng tiềm năng luôn là bài toán có nhiều ẩn số. 

Trong khi đó, bài diễn thuyết: Phân phối công nghệ: Từ Việt Nam, mở cửa ra thế giới của ông Gijae Seong, Giám Đốc Điều Hành, Amazon Global Selling Vietnam đã khái quát toàn cảnh bức tranh tiêu dùng đang được phủ màu sắc ngày càng rõ nét của yếu tố công nghệ. Đồng thời đưa ra những góc nhìn khi thế giới mua sắm trên toàn cầu ngày càng phẳng nhờ tiến bộ trong dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhân tạo… thì doanh nghiệp Việt Nam có dễ dàng hơn trong quá trình mở cửa ra thế giới. 

ông Gijae Seong, Giám Đốc Điều Hành, Amazon Global Selling Vietnam. Ảnh: NCĐT.
Ông Gijae Seong, Giám Đốc Điều Hành, Amazon Global Selling Vietnam. Ảnh: NCĐT.

Khép lại Hội nghị Kinh tế tiêu dùng: Xu hướng tiêu dùng - Thập kỷ tương lai là Phiên Tọa đàm: 4P trong thế giới phẳng: Từ thành thị đến nông thôn và xa hơn nữa. Các đại diện đến từ Amazon Global Selling Vietnam, Tập đoàn Ninja Van, Công ty Cổ Phần Good Food For Life, Công ty Cổ phần DGV Digital (Giải pháp chăm sóc khách hàng thành viên - DPoint) và Tập đoàn Philip Morris International (PMI) tại Việt Nam đã đem đến những góc nhìn về một thị trường đang không ngừng mở rộng, phá bỏ nhiều biên giới và rào cản tồn tại nhiều thập niên, đồng thời bàn luận sâu về các chiến thuật giá, bao bì cũng như câu chuyện phân phối để cung cấp những vũ khí, giúp doanh nghiệp trở thành người thắng trong cuộc chơi giữa thế giới phẳng hiện tại. 

Phiên Tọa đàm: 4P trong thế giới phẳng: Từ thành thị đến nông thôn và xa hơn nữa. Ảnh: NCĐT.
Phiên Tọa đàm: 4P trong thế giới phẳng: Từ thành thị đến nông thôn và xa hơn nữa. Ảnh: NCĐT.

Có thể bạn quan tâm:

Lợi nhuận của nhóm VN30 tăng 2,3% trong quý II/2023