Hội nghị Asia Smart City và Monozukuri 2015
Tiếp diễn sự thành công của hội nghị Monozukuri tháng 12/2014, HIDA, Nikkei Business Publications, IMT và AVAS đã phối hợp tổ chức Hội nghị Monozukuri khu vực châu Á tại Việt Nam năm 2015 với hơn 250 người tham dự tại Lotte Legend Saigon Hotel, TP.HCM. Năm nay, hội nghị được tổ chức tại Việt Nam trước khi tổ chức tại Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Khách tham dự hội nghị là các cấp quản lý đến từ các công ty thuộc ngành cơ khí chế tạo, bán dẫn, điện, điện tử, cao su, nhựa,…
Hội nghị này được thiết kế để phổ biến khái niệm Monozukuri từ Nhật Bản đến với thế giới, với chủ đề năm nay là Chung tay đổi mới (Create Innovation Together), nội dung chủ yếu bao gồm kinh nghiệm thực tiễn trong đổi mới tại các công ty và các giải pháp sáng tạo tương lai.
Mở đầu buổi hội nghị, ngài Nakasako Kenji, Tổng Giám đốc đại diện Panasonic System Networks Vietnam, đã chia sẻ các kinh nghiệm trong đào tạo nhân viên theo các bước đơn giản nhưng cẩn trọng, từ an toàn lao động, chuẩn hóa sổ tay vận hành, các kỹ năng sản xuất đến nâng cao như đào tạo công nhân đa kỹ năng để phục vụ hệ thống sản xuất tinh gọn, tham quan thực tế các nhà máy khác và ngay cả huấn luyện tại nước ngoài. Ông nhấn mạnh việc cải tiến của công ty không nhất thiết là bằng công nghệ cao mà bắt buộc phải làm triệt để những khái niệm căn bản như 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và 3-định (định vị, định phẩm, định lượng) để làm nền tảng huấn luyện kỷ luật công nhân một cách trực quan và hàng ngày. Sau đó, công ty mới nhấn mạnh thêm mức độ quản lý thông qua các hoạt động nhóm quản lý chất lượng (QCC) họp hàng ngày, cân bằng dây chuyền để tối ưu hóa năng lực sản xuất và bắt đầu sử dụng các công cụ tự động hóa từ thấp đến cao như xe vận chuyển đến robot.
Một điều thú vị khác là ông cũng cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa thì các công ty Nhật Bản hoạt động tại nước ngoài không nhất thiết phải tuyển người biết nói tiếng Nhật mà nên thúc đẩy dùng tiếng Anh và tiếng bản địa. Tại Panasonic, toàn bộ quản lý phải nói thông thạo tiếng Anh.
Về cung cấp nguyên vật liệu, cấu kiện phụ trợ cho sản xuất, ông chia sẻ rằng hiện Panasonic Việt Nam chỉ tìm được 11% nguồn cung ứng tại Việt Nam, 15% từ Nhật, 34% từ các nước ASEAN khác, 40% phải nhập từ Trung Quốc/Hongkong. Panasonic luôn muốn ưu tiên tìm nguồn tại Việt Nam bất cứ khi nào có thể cho các linh kiện như bo mạch, quạt, đầu nối điện, trục lăn cao su, dây cuốn…, nhưng trở ngại lớn nhất đang gặp từ các nhà cung cấp Việt Nam là vấn đề ổn định chất lượng và cam kết thời gian giao hàng.
Kế đến, TS Nguyễn Đăng Minh từ Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra phân tích của mình về các lý do vì sao các khái niệm và công cụ quản lý Nhật Bản như 5S, hệ thống Lean khi áp dụng vào Việt Nam khó có thể thành công. TS Minh cho rằng vấn đề chính nằm ở chỗ các công ty Việt Nam nhằm vào các hao phí hữu hình để cắt giảm chi phí nhưng không dành nhiều thời gian vào việc tìm ra suy nghĩ đúng, vì hao phí lớn nhất là từ cách nghĩ sai lầm trong quản lý. Ông cũng phân tích và đề cập đến vấn đề người Việt không được giáo dục đúng cách để chuẩn bị tâm thế dấn thân và cống hiến do bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc quá nhiều – cho rằng “học là để làm quan” thay vì “học là để làm và để chung tay xây dựng xã hội”.
Trong khi đó, đại diện Rohm – ông Isao Yamamoto, trình bày các nghiên cứu về các kỹ thuật truyền và phân phối điện năng sử dụng cho đa dạng thiết bị thông qua cổng USB phổ dụng và vượt qua các giới hạn về công suất cấp điện hiện nay của cổng này. Công nghệ này sẽ làm giảm các tác hại môi trường bằng cách thống nhất cách kết nối năng lượng thay vì sử dụng hàng trăm chuẩn adapter và đầu cắm điện khác nhau. Dự kiến, thay vì chỉ cung cấp được 2,5W-4,5W như chuẩn USB 2.0 và 3.0, các chuẩn USB BC1.2 và kế tiếp sẽ có thể cung cấp từ 10W đến 100W và được trang bị các chip thông minh siêu nhỏ tại đầu cắm để có thể phát hiện điện năng cần cung cấp của mỗi thiết bị.
Nhà báo Satoshi Okubo từ tạp chí Nikkei trình bày về dự án thế hệ điện thoại kế tiếp sau điện thoại thông minh mang tên Project Ara từ Google. Theo đó, thiết bị này sẽ được người dùng tự chọn cấu hình để lắp ráp theo nhu cầu cá nhân, từ sử dụng như một chiếc điện thoại hoặc biến thành máy quét thẻ bán hàng, dụng cụ theo dõi sức khỏe, máy chơi game, thiết bị cảm biến,… với bề ngoài tùy chọn theo sở thích hoặc công năng. Dự án này sẽ bắt đầu tung ra thị trường vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, ông cũng cho thấy sự chuyển mình đáng ngạc nhiên của nhà máy trước đây làm bán dẫn của Fujitsu chuyển thành nhà máy trồng rau sạch công nghệ cao, Panasonic từ một công ty công nghiệp chuyển sang thiết kế nhà kính nông nghiệp thông minh, và Toyota cũng đưa ra các hệ thống giám sát, tưới tiêu,… để liên kết thông tin giá cả thị trường nhằm điều nhằm kéo dãn hoặc thu ngắn chu kỳ thu hoạch một cách tự động để có được thu nhập tốt nhất cho người nông dân. Công nghệ cao đã gắn chặt với nông nghiệp thay vì là một yếu tố phụ trợ như trước đây.
Ông Trần Dũng – trưởng đại diện Omron đóng góp về cách nâng cao an toàn lao động một cách tích cực bằng cách sử dụng các bộ cảm biến đơn giản để tránh các sai lỗi do con người gây ra. Hơn nữa, ông còn đưa ra các nguyên tắc thiết kế hệ thống an toàn tách biệt đối với máy móc để tránh trường hợp máy hư thì hệ thống an toàn cũng hỏng. Ông Phan Quỳnh Trung – giám đốc nhà máy Vina Mazda Trường Hải – gởi đến thông điệp “phải thay đổi cách quản lý để quản lý được thay đổi” và chia sẻ về từng bước cải tiến để giảm thiểu thao tác bất hợp lý của nhân công như di chuyển xa để lấy công cụ lắp ráp, giảm các thao tác khó chịu vươn tay, xoay người, gập lưng hay làm việc ở tầm thấp trong ngành công nghiệp nặng nhọc như lắp ráp ô tô. Ông cho rằng lợi ích lớn nhất từ việc cải tiến là tạo ra được một môi trường làm việc thoải mái nhẹ nhàng, trong đó mỗi người công nhân cuối ngày làm việc vẫn còn đủ sức khỏe và đi về nhà một cách sung sướng. Ông Nguyễn Văn Kiều – Tổng giám đốc công ty Dây và Cáp SACOM trình bày về cách cải tiến 4M (phương pháp, thiết bị, nguyên liệu, con người) ứng dụng tại SACOM để xâm nhập vào một lĩnh vực mới đối với công ty là dây điện từ, chấp nhận mời khách hàng đến trực tiếp để góp ý về quản lý chất lượng tại nhà máy. Ông cho rằng vấn đề quản lý chất lượng không chỉ là tạo ra chất lượng tốt mà còn phải đạt đến mức chất lượng xuất sắc để có thể trở thành một nhà cung cấp đủ tầm cỡ cung cấp cho các hãng lớn nước ngoài.
Minh chứng cho khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu công nghệ cao, ông Hoàng Minh Trí – Tổng giám đốc công ty 4P cho biết công ty ông đã đầu tư hơn 60 triệu USD và nỗ lực hết sức để trở thành đối tác chính của LG, Canon trong lĩnh vực lắp ráp điện tử sử dụng công nghệ gắn linh kiện bề mặt SMT. Ông muốn dùng ví dụ của mình để chứng minh rằng một công ty 100% vốn của tư nhân Việt Nam cũng có thể sản xuất được ở quy mô lớn và với tiêu chuẩn sản xuất cấp độ toàn cầu chứ không nên suy nghĩ chỉ cung cấp cho thị trường nội địa hoặc khu vực. Đây là một ví dụ và là điểm sáng hiếm hoi trong khi các công ty nước ngoài luôn than phiền về khả năng tìm kiếm nhà cung cấp đủ tầm tại Việt Nam.
Phục vụ hội nghị, Viện IMT cung cấp tài liệu về 23 sự thật phũ phàng trong quản lý công ty tại Việt Nam với cách trình bày câu từ ngắn gọn kèm theo tranh hí họa. Ông Lưu Nhật Huy – Giám đốc IMT cho biết xuất phát từ thực tế rằng ngày nay, các nhà quản lý ngày càng bận rộn và hiếm có cơ hội đọc sách hay nghiên cứu sâu trong khi càng bận rộn và mệt mỏi, khả năng ra quyết định sai càng lớn. Tài liệu sưu tập lại các bài học quản lý thường gặp từ mặt quan điểm quản lý, nhân sự, sản xuất đến xây dựng ERP và sử dụng tư vấn. Ban biên tập hy vọng cách diễn đạt nhẹ nhàng, ngắn gọn, thẳng thắn và vui vẻ trong bằng tranh hí họa sẽ giúp ích được cho các nhà quản lý trong những tình huống quản lý thường gặp.
Hội nghị Asia Monozukuri đã hoàn thành sứ mệnh mang lại các thông tin và bài học cụ thể trong cải tiến và đổi mới tại các công ty Việt Nam và kỳ vọng qua đó sẽ đóng góp được vào hiệu suất vận hành và quá trình phát triển bền vững của xã hội trong thời gian sắp tới.