Ảnh: Nikkei
Hồi kết kinh tế chia sẻ?
Khủng hoảng kinh tế là động lực lớn nhất để mọi hệ thống kinh tế thay đổi, cả lý thuyết lẫn thực tế. Kinh tế chia sẻ là một trong số đó - một triết lý làm kinh doanh được sinh ra từ đống tro tàn của khủng hoảng năm 2008 và bây giờ lại đang đứng trước những hoài nghi về khả năng tồn tại.
Thời huy hoàng
Khi hệ thống tín dụng Mỹ bắt đầu sụp đổ vào năm 2007, người dân nước Mỹ và sau đó là toàn thế giới học được một điều rằng họ không có quyền đặt cược mạng sống của mình vào bất kỳ điều gì, kể cả là những tập đoàn quá lớn để sụp đổ. Khi không chắc chắn ngày mai sẽ như thế nào, mọi đối tượng trong nền kinh tế cũng bị ép vào cuộc chạy đua cắt giảm chi tiêu. Đây là điều kiện hoàn hảo cho một triết lý chi tiêu và làm việc mới ra đời. Triết lý chi tiêu đó là thuê và chia sẻ thay vì sở hữu. Triết lý làm việc là tự do và tự chủ nguồn thu nhập. Hai triết lý này cùng nhau tạo nên nền tảng cho triết lý kinh tế chia sẻ, mà 2 tập đoàn được cho là người tiên phong chính là Uber và Airbnb với 3 giá trị chung: Giá rẻ hơn dịch vụ truyền thống, Giá trị cốt lõi là kết nối và Khả năng tăng trưởng cực kỳ nhanh.
Hai giá trị đầu tiên thỏa mãn rất tốt nhu cầu của thời đại đặt ra: cắt giảm chi phí và tạo việc làm tự do. Một khi mô hình thỏa mãn được thị trường, thành công chỉ là sớm muộn. Bước ngoặt xảy ra vào khoảng năm 2012, khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục: nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, công nghệ số lên ngôi, nhưng những hệ quả tâm lý của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn ở đó, Airbnb và Uber bước vào đà tăng trưởng. Đến lúc này, giá trị chung thứ 3 của mô hình đã phát huy tác dụng - không tăng trưởng thì thôi, một khi đã tăng trưởng, mô hình kết nối cho phép họ tăng trưởng một cách thần kỳ. Ứng dụng Airbnb chính thức được ra mắt vào tháng 8.2008. Họ mất 2,5 năm để có 1 triệu lượt đặt phòng. Nhưng chỉ 1,5 năm sau đã tăng lên 10 triệu lượt. Và đến đầu năm 2019, lượt đặt phòng đã lên tới con số 400 triệu, số nhà cho thuê lên tới 5 triệu. Uber còn phát triển thần tốc hơn nữa. Chính thức ra mắt hồi tháng 3.2009, mất 1,5 năm mới có khách hàng đầu tiên và từ đó tăng trưởng chóng mặt, cho đến tháng 12.2015 đã đạt 1 tỉ cuốc xe. Tính đến tháng 5.2017 Uber đã đạt 5 tỉ cuốc xe.
Sự tăng trưởng thần kỳ này là do mô hình kết nối không đòi hỏi phát triển cơ sở vật chất hay đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp chỉ cần xây dựng được nền tảng có hiệu ứng mạng lưới (network effect) tích cực, biết cách marketing và có đủ vốn, thì khi tăng trưởng dường như không có cách gì để ngăn cản họ. Nhanh chóng sau đó mô hình chia sẻ trở thành công thức thành công cho bất kỳ startup thời đại 4.0 nào. Hàng loạt thuật ngữ “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế kết nối”, “kinh tế nền tảng” được thêm vào từ điển.
Nay còn không...
Vài năm gần đây, truyền thông đã ra sức vẽ nên một tương lai rằng xu hướng này có thể làm thay đổi cách nền kinh tế vận hành, thay đổi cách thức con người tư duy về quyền sở hữu và đạp đổ mọi nguyên tắc kinh doanh đã có. Ồn ào là thế, nhưng các con số thống kê lại chỉ ra một sự thật khá buồn tẻ: ảnh hưởng của kinh tế chia sẻ hiện còn rất nhỏ. Theo một khảo sát, tổng giá trị giao dịch của mọi nền tảng chia sẻ ở châu Âu năm 2015 là 28,1 tỉ euro, chỉ chiếm 0,35% tổng chi tiêu hộ gia đình. Nghĩa là sức ảnh hưởng của kinh tế chia sẻ còn rất khiêm tốn, cả về khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, truyền thông chỉ đang làm quá chúng lên.
Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp mang danh nghĩa “chia sẻ” chỉ để làm marketing. Họ chỉ nhắm tới lợi nhuận, tăng doanh thu và bành trướng thị phần hơn là giá trị cộng đồng đúng như cái tên của mình. Một vài nền tảng khi bành trướng đủ mạnh, đảm bảo không có đối thủ cạnh tranh, quay lại vắt lợi nhuận từ cả đối tác lẫn khách hàng.
Dần dần, kinh tế chia sẻ cũng lộ ra những điểm bất hợp lý. Các nền tảng chia sẻ xe đặt cơ sở hạ tầng giao thông và chất lượng môi trường nhiều thành phố vào mức báo động. Nhiều kẻ gian lợi dụng sự tự do kết nối và quản lý lỏng lẻo của các nền tảng để trục lợi và gây nguy hiểm hình sự. Sự hỗn loạn của các nền tảng khiến chính phủ các nước bối rối trong việc quản lý, thu thuế và bảo vệ sở hữu trí tuệ...
Với nhiều vấn đề nảy sinh, 2019 có thể được coi là một năm giảm nhiệt đối với nền kinh tế chia sẻ. Nhiều chuyên gia dự đoán mô hình này sẽ không còn là miếng bánh thơm để các startup nhảy vào nữa. Điển hình là mới đây vào ngày 24.12.2019, người sáng lập ra dịch vụ đi xe chung Uber - Travis Kalanick đã bán toàn bộ cổ phần của mình và rút khỏi Hội đồng Quản trị. WeWork gây chấn động nhất trong năm 2019 sau khi hủy bỏ kế hoạch IPO vì kết quả kinh doanh thảm hại. Tập đoàn SoftBank của Nhật và các nhà đầu tư đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ. Startup dụng cụ thể hình Peloton IPO ngày 26.9 và lập tức giá cổ phiếu của hãng sụt 11% trong ngày giao dịch đầu tiên. Giá trị vốn hóa của Peloton lập tức giảm từ 8,1 tỉ USD xuống còn 7,2 tỉ USD. Giá cổ phiếu của Lyft cũng giảm gần 40% kể từ đợt IPO hồi tháng 3.2019...
Tới nay, kinh tế chia sẻ không còn được nhắc nhiều đến như một mô hình hái ra vàng hay một xu thế của thời đại, thay vào đó, cụm từ được nhắc nhiều hơn trong các bản tin thời sự, trong các cuộc điều trần và các điều luật sửa đổi nhằm kiểm soát và chế tài các ông lớn trong ngành.