Thứ Hai | 24/12/2012 10:22

Hội đồng quản trị HNX và VSD không còn lãnh đạo UBCKNN

Theo quyết định mới, Hội đồng quản trị của HNX và VSD nhiệm kỳ 2012-2015 không có sự tham gia của nhân sự lãnh đạo UBCKNN như giai đoạn trước đó.
Thay đổi lớn trong cơ cấu Hội đồng quản trị HNX và VSD

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chính thức quyết định bổ nhiệm Hội đồng quản trị mới của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

Theo đó, Hội đồng quản trị HNX gồm 5 người, trong đó Chủ tịch mới là ông Trần Văn Dũng, kiêm Tổng giám đốc, nhiệm kỳ 2012 - 2015; Phó chủ tịch HNX là bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, kiêm Phó tổng giám đốc. Hội đồng quản trị VSD gồm 3 người, trong đó Chủ tịch mới là bà Phương Hoàng Lan Hương (nguyên Tổng giám đốc VSD), nhiệm kỳ 2012 - 2015; Tổng giám đốc mới của VSD là ông Dương Văn Thanh, nguyên Phó tổng giám đốc VSD.

Như vậy, theo quyết định trên, Hội đồng quản trị của HNX và VSD không có sự tham gia của nhân sự cấp lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trước đó, Chủ tịch HNX và Chủ tịch VSD là 2 nhân sự kiêm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính (ngoài cùng bên phải), trao quyết định bổ nhiệm Hội đồng quản trị HNX nhiệm kỳ 2012 -2015
Thứ trưởng Bộ Tài chính (ngoài cùng bên phải), trao quyết định bổ nhiệm
Hội đồng quản trị HNX nhiệm kỳ 2012 -2015

Theo tìm hiểu của báo Đầu tư chứng khoán, sở dĩ có sự thay đổi rất lớn trong cơ cấu Hội đồng quản trị HNX và VSD này là do HNX và VSD đều đã được tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên.

Theo quy định tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước không được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên và chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan đối với công ty TNHH một thành viên trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn về cơ chế tài chính, phân phối lợi nhuận đối với công ty TNHH một thành viên.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trước đó, mô hình Hội đồng quản trị độc lập, không có nhân sự kiêm nhiệm là lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã được áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) từ khi Sở này có Chủ tịch mới là ông Trần Đắc Sinh, nguyên Tổng giám đốc HSX.

Kế hoạch hành động năm 2013

HNX nhận định, năm 2013, Chính phủ sẽ triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đi đôi với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.

Đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020. Trong bối cảnh đó, HNX xác định 2 mục tiêu trọng tâm năm 2013.

Thứ nhất, đối với công tác quản lý, vận hành phát triển các thị trường, HNX sẽ phát triển đồng bộ 3 thị trường hiện có, trong đó chú trọng duy trì tính ổn định, phát triển quy mô, nâng cao chất lượng hàng hoá và thanh khoản. Đặc biệt, sẽ phát triển thị trường trái phiếu chính phủ theo hướng tiếp cận với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, trở thành kênh huy động vốn và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước và có vai trò quan trọng trong việc quản lý nợ công của Chính phủ. HNX cũng đặt mục tiêu năm 2013 sẽ phát triển sản phẩm mới; phát triển mạnh về công nghệ phục vụ thị trường.

Thứ hai, đối với công tác quản trị điều hành, HNX sẽ tăng cường quản lý điều hành, quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả hoạt động và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tham gia chương trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán và hội nhập quốc tế.

Tại VSD, hiện cơ quan này chưa công bố kế hoạch hành động năm 2013, nhưng để cải thiện tính hiệu quả trong hoạt động thanh toán trên thị trường chứng khoán, VSD cho biết, đang xây dựng nhiều giải pháp mới theo thông lệ quốc tế, trước mắt là triển khai cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Bên cạnh đó, VSD đang xây dựng cơ chế vay và cho vay chứng khoán cũng như cơ chế mua vào tự động, hiện đang ở cấp độ nghiên cứu tiền khả thi, là giải pháp quản lý rủi ro trong trường hợp tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán với các thành viên.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện